Long An: Đầu tư hạ tầng giao thông tạo động lực cho phát triển

Thứ năm, 25/04/2024 08:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xác định rõ “hạ tầng giao thông là động lực cho phát triển”, những năm qua, tỉnh Long An đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Qua đó, đã tạo ra một hệ thống giao thông trong tỉnh được thông suốt, huyết mạch, kết nối liên vùng, liên tỉnh mang tính chiến lược.

Hạ tầng giao thông của tỉnh có nhiều sự đổi mới

Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An xác định huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là 1 trong 3 chương trình đột phá. Chương trình mang ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế để tập trung lãnh đạo triển khai, thực hiện.

Gần đây, trả lời báo chí đối với việc tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An - Trương Văn Liếp thông tin, từ những kết quả đã đạt trong thời gian qua, năm 2024, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực phân bổ cho các dự án giao thông quan trọng, trọng điểm của tỉnh để các dự án này sớm được hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, góp phần thu hút đầu tư tạo động lực cho phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo đó, năm 2024, tỉnh Long An phân bổ khoảng 2.886 tỉ đồng (chiếm 58,23% tổng nguồn vốn phân bổ cho dự án), trong đó, tập trung phân bổ cho các dự án giao thông quan trọng có tính lan tỏa và liên kết vùng như Đường tỉnh 823D (dự kiến hoàn thành năm 2024), Đường tỉnh 830E (dự kiến hoàn thành năm 2025); đường Vành đai TP.Tân An (đã thông xe kỹ thuật năm 2023, hoàn thành năm 2024), đường Vành đai 3 TP.HCM (dự kiến hoàn thành năm 2025).

“Những dự án giao thông quan trọng của tỉnh như đường Vành đai TP.Tân An, đường Vành đai 3 TP.HCM, Đường tỉnh 823D, Đường tỉnh 830E,… sau khi hoàn thành sẽ khơi thông các điểm nghẽn về hệ thống vận tải, logistics. Đồng thời, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, lợi thế cạnh tranh về thu hút đầu tư so với các địa phương khác trong cả nước, phục vụ phát triển công nghiệp; tạo ra bước đột phá lớn về kinh tế của tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”, ông Trương Văn Liếp đánh giá.

Hạ tầng giao thông phát triển sẽ mở ra nhiều động lực phát triển

Các kết nối giao thông đồng bộ và hiện đại của tỉnh Long An đã góp phần giảm chi phí vận tải, logistics cho doanh nghiệp. Các tuyến đường đang được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, kết nối với nhau, giúp giảm ùn tắc giao thông, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các khu, cụm công nghiệp, các địa phương trong tỉnh, giữa Long An với các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tỉnh định hướng tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Để xứng tầm đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam và trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với TP.HCM và Vùng Đông Nam Bộ; là đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia, tỉnh xác định đầu tư hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt để KT-XH phát triển nhanh và bền vững./.

Theo Báo Long An

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)