Năm 2025, Nam Định sẽ xóa bỏ 100% đường ngang trái phép qua đường sắt

Thứ ba, 11/06/2024 13:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã thực hiện xóa được 183/249 (khoảng 73%) lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn. 100% lối đi tự mở còn lại đều có các hình thức cảnh báo an toàn.

Vẫn còn người tử vong vì tai nạn đường sắt

Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Nam Định dài trên 41km, chạy song song với Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 và đi qua nhiều khu dân cư nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Những năm qua, ngành đường sắt và chính quyền các địa phương tỉnh Nam Định đã rất quan tâm, thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã thực hiện xóa được 183/249 (khoảng 73%) lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn. 100% lối đi tự mở còn lại đều có các hình thức cảnh báo an toàn: Cảnh giới, biển báo "Chú ý tàu hỏa"…

Nam Định nỗ lực xóa bỏ đường ngang trái phép qua đường sắt.

Tuy nhiên, do ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, nhiều trường hợp còn cố tình băng qua đường sắt khi cần chắn đã hạ, tín hiệu đèn, chuông đã cảnh báo, hoặc khi thấy tàu đã đến gần, dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông là từ sự chủ quan, không chú ý quan sát khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Mặc dù, Nam Định đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), đặc biệt là tập trung xử lý dứt điểm lối đi tự mở trái phép qua đường sắt. Nhưng từ đầu năm đến nay toàn tỉnh vẫn xảy ra 6 vụ TNGT đường sắt làm 4 người tử vong, 1 người bị thương. Điển hình, ngày 20/5 đã xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt làm 1 người tử vong và 1 người bị thương.

Đồng bộ giải pháp hạn chế TNGT đường sắt 

Để hạn chế các vụ TNGT đường sắt, Ban An toàn giao thông tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương có đường sắt đi qua tăng cường bố trí người cảnh giới, chốt gác tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao gây TNGT.

Lắp đặt thiết bị đèn cảnh báo giao thông, xây dựng gờ, gờ giảm tốc để cảnh báo cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ qua lối đi tự mở; đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt.

Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Vinh, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Nam Định cho biết, phần lớn các vụ TNGT đường sắt trên địa bàn đều do người dân lơ là, mất cảnh giác khi lưu thông qua các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt.

Do đó, Ban An toàn giao thông tỉnh đã rà soát, lập kế hoạch chi tiết để từng bước xóa lối đi tự mở, với mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ xóa bỏ hoàn toàn 249 lối đi tự mở trên địa bàn.

Đồng thời, Nam Định đã yêu cầu các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tăng cường tuần tra, kiểm soát, không để phát sinh lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Đối với các lối đi tự mở chưa được xóa bỏ, các cơ quan liên quan sẽ cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí chốt cảnh giới tại một số vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Được biết, những năm qua, tỉnh Nam Định phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện xây dựng 3 tuyến đường gom qua đường sắt với tổng chiều dài 1.747m, đã xóa bỏ được 127 lối đi tự mở.

Mặt khác, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh phối hợp với các địa phương trong tỉnh tăng cường xóa bỏ các lối đi tự mở trái phép. Tính đến hết tháng 5/2024, Nam Định đã xóa 183/249 lối đi tự mở, riêng năm 2023 đã xóa được 16 lối đi tự mở.

"Việc xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở gặp nhiều khó khăn, phần lớn các lối đi vi phạm hành lang ATGT đường sắt đều do lịch sử để lại, trong đó nhiều lối đi tự mở là lối đi duy nhất vào một hộ dân hoặc vào khu dân cư nên chưa thể xóa bỏ dứt điểm. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ thói quen sinh sống bám đường để buôn bán của các hộ dân; các địa phương chưa ưu tiên bố trí kinh phí để xây dựng đường gom, hàng rào, biển cảnh báo nguy hiểm", ông Vinh nhìn nhận.

Để xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, hiện tỉnh Nam Định xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn với mục tiêu giảm TNGT đường sắt từ 5% đến 10% hằng năm; hạn chế tới mức thấp nhất các vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng; phấn đấu đến hết năm 2025 xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở trái phép trên tuyến đường sắt Bắc - Nam./.

kimcuc

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)