Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, độ dốc lớn, địa hình chia cắt, thường phải đối mặt với thiên tai, trượt sạt. Nhiều khu vực điều kiện sản xuất, sinh hoạt còn khó khăn. Chính vì vậy, huyện Đà Bắc luôn tranh thủ các nguồn lực chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là về giao thông, từng bước phá vỡ thế cô lập giữa các xã, xóm bản nhằm cải thiện sinh kế của người dân.
Những năm gần đây, đường giao thông tới các xóm của xã Đồng Ruộng,
huyện Đà Bắc từng bước được đầu tư.
So với trước đây, điều kiện đi lại của người dân Đà Bắc đã cải thiện rất nhiều. Con đường độc đạo 433 nối TP Hòa Bình tới xã Nánh Nghê dài khoảng 90 km từng bước được đầu tư cải tạo, nâng cấp đã giúp thúc đẩy giao thương. Đối với các tuyến đường lên xã Hiền Lương, đường Vầy Nưa - Tiền Phong được đầu tư góp phần tạo sức bật mới cho các xã vùng hồ từ việc nuôi trồng sản, phát triển du lịch, thúc đẩy giao thương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang các ngành nghề.
Trở lại thăm xã Đồng Ruộng, một trong những xã khó khăn bậc nhất của huyện Đà Bắc, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự đổi thay trong diện mạo, đời sống của người dân nơi đây. Xã cách trung tâm huyện khoảng 60 km, đường giao thông được cứng hóa giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Bên cạnh đó các tuyến đường nội xóm cũng được mở mới, tu sửa nâng cấp. Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng Hà Văn Tùng tâm sự: Nhiều năm trước do cách trở về giao thông, các loại nông sản cũng như hoạt động sinh hoạt và sản xuất của người dân rất khó khăn, nông sản bán giá thấp, làm được ngôi nhà xây thì giá vận chuyển vật liệu cao hơn rất nhiều. Giờ đã khác, người dân có nhiều nhà xây kiên cố hơn, chất lượng sống cũng cải thiện, xe máy, ti vi nhiều hơn…
Toàn huyện Đà Bắc có khoảng 1.349 km đường bộ, gồm: 176,5 km đường huyện (11 tuyến ĐH30 ÷ ĐH39); 125,7 km đường xã; 453,62 km đường trục thôn, xóm; 312,345 km đường ngõ; 246,06km đường khu sản xuất, nội đồng; 34,826km đường đô thị. Năm 2023 huyện đã mở mới 5,87 km đường; bê tông hóa, nhựa hóa 15,74km; nâng cấp sửa chữa 25,17km. Có khoảng 235,29 km (chủ yếu là đường nội đồng, đường sản xuất) là đường không êm thuận, không đảm bảo tầm nhìn, không đảm bảo giao thông đi lại, an toàn…
Xác định vai trò quan trọng của giao thông, huyện đã ban hành Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn huyện Đà Bắc giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định số 509/QĐ-UBND, ngày 26/3/2021 của UBND huyện về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án cứng hóa giao thông nông thôn; tổng mức đầu tư trên 3,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 3.000 triệu đồng, nhân dân đóng góp 281,347 triệu đồng. Tổng chiều dài được cứng hóa 4,7km, hiện đã thực hiện hoàn thành 50% kế hoạch, số km còn lại đang tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên do đặc thù địa hình chia cắt, độ dốc lớn, thường xuyên bị thiên tai, việc phát triển giao thông của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Đà Bắc tốn nhiều công sức và nguồn lực để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là về giao thông.
Đồng chí Đào Tiến Quyết, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đà Bắc cho biết: Huyện tổ chức lồng ghép các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện điều kiện sản xuất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, thúc đẩy KT-XH. Cùng với thực hiện Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn, huyện huy động các nguồn lực để phát triển giao thông. Huyện chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án: đường liên kết vùng Hà Nội - Hòa Bình và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; triển khai các dự án đường thị trấn Đà Bắc - Thanh Sơn (Phú Thọ)… Khi các dự án này hoàn thành sẽ phá vỡ thế cô lập về giao thông, mở ra cơ hội rất lớn cho Đà Bắc phát triển. Huyện mong các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh có kế hoạch nâng cấp tuyến tỉnh lộ 433 thành quốc lộ kết nối với các tỉnh. Trước mắt mở rộng tỉnh lộ 433 gấp đôi chiều rộng hiện nay tại khu trung tâm hành chính các xã: Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Suối Nánh,Cao Sơn để đảm bảo an toàn giao thôngvà mỹ quan khu trung tâm hành chính các địa phương.
Theo Báo Hòa Bình