TP Hồ Chí Minh xin gia hạn thời gian thí điểm xe buýt điện

Thứ ba, 09/07/2024 15:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi UBND TP về việc điều chỉnh thời gian thí điểm tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn thành phố.

Theo văn bản của Sở GTVT, hiện nay thành phố đang xây dựng Đề án về chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn. Vì vậy, Sở đang phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án để báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở đó, Sở GTVT kiến nghị xin điều chỉnh thời gian thực hiện hoạt động xe buýt điện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đến hết Quý I/2025.               

Sau giai đoạn thí điểm, Sở GTVT sẽ tiến hành tổ chức tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định, đảm bảo phù hợp thực tiễn, khả năng cân đối ngân sách thành phố.

Sở GTVT cũng đang phối hợp với các sở ngành, đơn vị có liên quan xây dựng tham mưu UBND TP ban hành mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện trong thời gian tới.

Trong đó, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang thí điểm tuyến xe buýt điện D4 (VinHome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn).

Sở GTVT cũng cho biết, khối lượng vận chuyển của tuyến xe buýt điện đầu tiên liên tục tăng kể từ khi đưa vào hoạt động. Đến nay, doanh thu vé bình quân mỗi chuyến tăng từ 80,9 ngàn đồng/chuyến lên mức 154 ngàn đồng/chuyến. Tuy nhiên, mức doanh thu này chỉ đạt khoảng 20,9% chi phí hoạt động (tính theo đơn giá xe sử dụng khí CNG).

Trước thực trạng nêu trên, Sở GTVT kiến nghị UBND TP áp dụng tỉ lệ trợ giá/chi phí làm cơ sở đặt hàng cho xe buýt điện với tỉ lệ 64,8%, loại xe CNG nhóm 4-CNG2 (chi phí khoảng 24,224 đồng/km).

Theo kế hoạch giai đoạn 2025 - 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ chuyển đổi 100% xe buýt sử dụng năng lượng xanh, gồm buýt nhiên liệu sạch và buýt điện.. .

Lộ trình đến năm 2025 thành phố sẽ chuyển đổi 395 xe buýt nhiên liệu sạch,  nâng tổng số buýt xanh lên 899 xe, chiếm khoảng 36% tổng xe buýt hiện có. Kế hoạch đến năm 2030 sẽ chuyển đối trên 1.800 xe, đạt khoảng 73%. Riêng huyện Cần Giờ được quy hoạch là “đô thị sinh thái xanh”, nên thành phố ưu tiên thí điểm 100% xe buýt điện, không sử dụng xe động cơ đốt trong.

Kinh phí đầu tư trang bị mới xe buýt điện khoảng 9.559 tỷ đồng cho 3 kích cỡ nhỏ, trung bình và lớn với giá mỗi xe vào khoảng 4 - 7 tỷ đồng/xe. Đồng thời, dự án chuyển đổi cũng dự trù kinh phí trợ giá cho các tuyến hiện hữu và tuyến đầu tư mới khoảng 4.240 tỷ đồng, nâng tổng kinh phí đầu tư cho dự án hơn 13.800 tỷ đồng.

kimcuc

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)