Thực hiện Nghị định số 44 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT) đường bộ, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh rà soát, phân loại, lập hồ sơ quản lý gắn với chuẩn hóa dữ liệu sử dụng và khai thác tài sản kết cấu HTGT đường bộ.
Qua đó xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong công tác quản lý, hạch toán tài sản, khai thác tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý qua các thời kỳ.
2 nút giao IC.2 và IC.5 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai,
đoạn qua địa bàn tỉnh được đầu tư hơn 770 tỷ đồng từ ngân sách
Thực hiện phân cấp quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu HTGT đường bộ trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) ban hành văn bản về việc hướng dẫn thực hiện lựa chọn một số chỉ tiêu kỹ thuật như vận tốc thiết kế, kết cấu áo đường mềm bê tông nhựa… trong quá trình nghiên cứu đầu tư các tuyến đường vành đai, đường trục chính, đường tỉnh, đường huyện.
Đồng thời thường xuyên rà soát, phân loại, lập hồ sơ theo dõi và cập nhật chuẩn hóa tài sản kết cấu HTGT của tỉnh kịp thời, đảm bảo đầy đủ các chỉ tiêu thông tin đầu vào, đầu ra trên phần mềm quản lý của Cục Quản lý tài sản công - Bộ Tài chính, gồm các tuyến đường tỉnh, công trình cầu trên đường tỉnh, trạm kiểm tra tải trọng xe, bến phà và công trình phụ trợ, các bến xe, nhà hạt quản lý đường bộ… với giá trị tài sản gần 14.565 tỷ đồng.
Trong đó, tuyến Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên và Quốc lộ 2B đã được Bộ GTVT bàn giao về tỉnh quản lý.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 5 tuyến đường vành đai, 17 tuyến đường tỉnh; một số tuyến đường trục chính do cấp tỉnh quản lý và đầu tư nâng cấp, mở rộng như đường trục Bắc - Nam, đường trục Đông - Tây, đường trục Mê Linh... dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025.
Đối với hạ tầng vận tải, toàn tỉnh có 9 bến xe khách, trong đó có 1 bến xe đạt tiêu chuẩn loại 1, 1 bến xe đạt tiêu chuẩn loại 2, còn lại là tiêu chuẩn loại 3 và loại 4.
Nhằm nâng cao năng lực thông hành và duy trì tốt tuổi thọ công trình giao thông đường bộ, Sở GTVT ký hợp đồng có thời hạn với các doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường bộ để thực hiện vệ sinh lòng đường, vỉa hè đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ; mặt đường thường xuyên được duy tu, sửa chữa kịp thời những sự cố hư hỏng, nứt vỡ, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Mặt khác, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông xây dựng và tổ chức các đợt cao điểm giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ ủy thác.
Phối hợp Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động tổ chức kiểm soát phương tiện đường bộ ngay từ điểm đầu nơi vật liệu xuất phát như Km0+100 trên ĐT.306B thuộc địa phận xã Đồng Ích và Km 1+800 trên ĐT.305C thuộc địa phận xã Văn Quán (Lập Thạch)… nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn, cơi nới kích thước thùng hàng.
Từ năm 2021 đến nay, Sở GTVT tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng 62 công trình; kiểm tra trong quá trình thi công 17 công trình. Qua kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về chất lượng công trình với số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước gần 60 triệu đồng.
Mặt khác, lực lượng Thanh tra sở phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng giải tỏa hơn 100.000 m2 lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ bị chiếm dụng; tháo dỡ trên 200 lều bạt, quán tạm vi phạm; tạm giữ trên 500 biển quảng cáo… bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định; đồng thời ban hành 95 quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền gần 640 triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở GTVT Phùng Ngọc Tuân cho biết: Trong quá trình quản lý HTGT theo phân cấp, Sở luôn bám sát các quy định của Quốc hội, Chính phủ, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định về quản lý, chỉ đạo thực hiện đối với công tác đầu tư xây dựng HTGT, công tác quản lý, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ…
Nhờ đó góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi trong quá trình giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
Sớm hoàn thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, phát huy hiệu quả công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu HTGT đường bộ theo Nghị định số 44 của Chính phủ, Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành rà soát, cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch phân khu thống nhất với quy hoạch cấp trên để đảm bảo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng KT - XH nói chung và HTGT nói riêng theo quy định của Luật Đầu tư công.
Chỉ đạo các phòng chuyên môn, lực lượng Thanh tra sở tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư kết cấu HTGT nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ…
Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sớm thông qua Nghị quyết thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các luật về đầu tư các dự án giao thông, tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc nói riêng và các tỉnh/thành phố trong cả nước nói chung được phép đầu tư mở rộng một số tuyến quốc lộ trọng yếu đi qua địa bàn nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển KT - XH tại các địa phương./.