Mưa lớn diện rộng kéo dài đã gây ra hơn 80 điểm sạt lở đất trên các tuyến đường giao thông huyết mạch của huyện Đà Bắc. Huyện đã huy động lực lượng xử lý các điểm sạt lở và canh gác tại các ngầm tràn nguy hiểm để cảnh báo người dân.
Huyện Đà Bắc huy động máy xúc để khơi thông dòng chảy tại ngầm Chầm, xã Tân Minh.
Ảnh hưởng bão số 3 và hoàn lưu bão, những ngày qua, trên địa bàn huyện Đà Bắc có mưa diện rộng. Trên các tuyến đường, tình trạng sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng khiến giao thông bị ách tắc. Đường tỉnh 433 là tuyến huyết mạch của huyện, từ ngày 8/9 đến nay đã có nhiều điểm sạt lở. Tính từ xã Cao Sơn đến xã Tân Minh khoảng 15 km nhưng đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở. Đây cũng là khu vực có 2 ngầm tràn thường xuyên bị ngập: ngầm Chầm (xã Tân Minh), ngầm Suối Láo (xã Cao Sơn). Như sáng 6/9, hai ngầm này bị ngập sâu. Ngầm Suối Láo phải đến gần 9 giờ các loại xe bán tải, gầm cao mới có thể qua được. Ngầm Chầm bị ngập sâu hơn, nước chảy siết, ngành chức năng phải huy động 2 máy xúc để nạo vét, khơi thông đất, đá và đến hơn 12 giờ cùng ngày mới có thể lưu thông.
Tuyến đường từ xóm Chum đi xóm Hà, xã Đồng Chum (Đà Bắc) bị ách tắc do sạt lở.
Trong sáng 10/9, chính quyền đã huy động máy xúc thông tuyến tạm thời.
Thông tin từ Chủ tịch UBND xã Tân Minh Quách Công Khang, do vẫn còn mưa nên ngầm Chầm trong tình trạng có thể bị ngập. UBND xã đã bố trí 4 đồng chí luôn túc trực tại khu vực này để kịp thời cảnh báo, không cho người dân qua lại khi nước lũ dâng cao. Đặc biệt, đoạn đường tỉnh 433 đi qua địa bàn xã tiếp tục sạt lở đất, việc lưu thông khó khăn. Tại các vị trí bị sạt lở, xã đã huy động máy xúc hót dọn để thông tuyến tạm thời, ô tô và xe máy có thể lưu thông được. Tuy nhiên, việc đi lại trong thời điểm mưa tiềm ẩn nguy hiểm nên xã khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển để đảm bảo an toàn.
Do công việc, hàng ngày anh Lường Văn Thanh ở xã Tân Minh phải di chuyển trên đường tỉnh 433. Anh Thanh cho biết: Vào những ngày mưa to, đoạn đường thường xảy ra sạt lở và ngập ngầm nên khá nguy hiểm. Đặc biệt, những ngày qua mưa lớn kéo dài, tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng hơn. Lực lượng chức năng vất vả để đảm bảo an toàn cho người dân. Theo khuyến cáo của chính quyền, gia đình tôi không đi lại khi mưa to để tránh rủi ro.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, với nỗ lực của các lực lượng, tuyến đường 433 qua địa bàn huyện cơ bản được xử lý tạm thời nhưng vẫn còn một số tuyến khác chưa thể xử lý, khơi thông. Như tại xã Tiền Phong, đoạn đường từ khu Mó Tôm đi khu Trê của xóm Túp và một số đoạn thuộc các xóm Đoàn Kết, Đức Phong bị sạt lở taluy dương, hiện chưa thể qua lại.
Đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Đà Bắc là địa bàn miền núi có độ dốc lớn nên nguy cơ cao về sạt lở đất và đá lăn. Để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, trước khi bão số 3 đổ bộ, UBND huyện đã phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp huyện rà soát tất cả các doanh nghiệp đang thi công trên địa bàn để huy động máy xúc, phương tiện sẵn sàng tham gia xử lý, hót dọn các điểm sạt lở để thông tuyến đến các xóm, xã. Tuy nhiên, những ngày qua, các tuyến đường xảy ra tình trạng sạt lở rất nhiều. Huyện sẽ tiếp tục huy động tối đa máy móc để khơi thông sớm các đoạn đường bị sạt lở. Đồng thời, bố trí lực lượng ứng trực tại các điểm nguy cơ cao, ngầm tràn để hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại trong thời điểm này.
Theo Báo Hòa Bình