Kiên định mục tiêu "giao thông đi trước mở đường", khẳng định vai trò "huyết mạch" của nền kinh tế, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã và đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ tham mưu, quy hoạch đến đầu tư xây dựng các công trình, dự án giao thông trọng điểm. Từ đó khơi thông nguồn lực của các địa phương, tạo đà để kinh tế của tỉnh tăng tốc, phát triển.
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia.
Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư, cải thiện,
góp phần đảm bảo an toàn giao thông và thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh.
Xác định GTVT là điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển KT - XH, kết nối giao thương giữa Vĩnh Phúc với các địa phương trong và ngoài vùng, Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ luôn ưu tiên nguồn lực để quy hoạch và triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp kết hợp xây dựng mới các tuyến giao thông trọng điểm, có ý nghĩa liên kết, phát triển vùng.
Đến nay, toàn tỉnh có 7.918 km đường bộ được chia làm 4 cấp quản lý; hệ thống đường sắt, đường thủy tương đối phong phú với tổng chiều dài hơn 110 km đoạn qua địa bàn tỉnh.
Hoạt động vận tải phát triển đa dạng, nhiều loại hình, góp phần bảo đảm tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tạo động lực phát triển KT - XH của tỉnh.
Với việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình giao thông quy mô như cầu Vĩnh Phú, cầu Đầm Vạc, đường Vành đai 3 trong quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đoạn Yên Lạc - Bình Dương, dự án đường trục Bắc-Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3... không chỉ góp phần cải thiện lưu lượng giao thông trên trục huyết mạch mà còn giúp phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ ở các khu vực tiếp giáp.
Nhờ đó, 9 tháng năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể đối với các chỉ số kinh tế vĩ mô như thu ngân sách, vốn đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu... GRDP của tỉnh tăng 7,95%, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt, thời gian qua, Sở GTVT đã triển khai nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư khi cân đối được nguồn vốn đối với một số dự án lớn, quan trọng như đường song song đường sắt, đường trục Bắc - Nam, đường nối Quốc lộ 2 với đường Nguyễn Tất Thành, đường Vành đai 5 đoạn từ hồ Vân Trục đến Sông Lô...
Đồng thời tăng cường quản lý chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư các dự án, công trình giao thông.
Phó Giám đốc Sở GTVT Phùng Ngọc Tuân cho biết: Ngành GTVT luôn xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là khâu đột phá, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh. Vì vậy, ngành GTVT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các dự án giao thông theo quy hoạch được duyệt.
Sở GTVT cũng đề xuất UBND tỉnh cho phép chuyển một số dự án được giao triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 nhưng đến nay chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn thực hiện sang giai đoạn 2026 - 2030. Qua đó làm tiền đề cho thu hút đầu tư, phát triển đô thị, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh gồm 47 tuyến với tổng chiều dài 1.132 km.
Những tuyến giao thông này được quy hoạch đều có tính chất đối ngoại, tăng cường kết nối liên vùng, tạo động lực lan tỏa phát triển KT - XH, du lịch, dịch vụ của tỉnh trong dài hạn.
Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, ngành GTVT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh nghiên cứu, ưu tiên nguồn lực chuẩn bị đầu tư một số dự án với tổng mức đầu tư hơn 30.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030.
Điển hình như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn từ Km19+425 - Km26+575; đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía Bắc) đoạn từ ĐT.310B đến Quốc lộ 2 đoạn qua Phúc Yên; nâng cấp, mở rộng đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ đường Vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đến thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo; đường nối từ Quốc lộ 2, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) đến đường Nguyễn Tất Thành, xã Cao Minh (Phúc Yên)…
Ngoài ra, Sở GTVT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát quy hoạch có liên quan để tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư hoàn thiện các tuyến đường vành đai cấp huyện, các tuyến đường trục chính khu vực kết nối giữa các huyện liền kề, các trục chính từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, phường, thị trấn.
Đồng thời xây dựng và duy trì mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng đồng bộ, tương thích, kết nối hài hòa với các loại hình vận tải khác; phủ kín các khu vực quan trọng, bảo đảm tiếp cận tới mọi đối tượng tham gia giao thông và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân như khu vực đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, nhà ga, bến xe, bến cảng, sân bay…
Từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2050 xây dựng tỉnh thành đô thị Vĩnh Phúc hiện đại, văn minh, có vai trò quan trọng trong trung tâm phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước./.