Vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí đối mặt với nguy hiểm, tuy nhiên tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành giao thông vận tải Hòa Bình vẫn đang phát huy truyền thống "đi trước mở đường" không ngừng nỗ lực để khắc phục hư hỏng hạ tầng.
Qua hơn 1 tháng, công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão
vẫn đang được các đơn vị ngành giao thông ở Hoà Bình nỗ lực triển khai.
Đã hơn 1 tháng tính từ khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc nhưng hậu quả mưa bão để lại vẫn rất nặng nề.
Riêng tại tỉnh Hoà Bình, Bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây lũ lụt, sạt lở làm 7 người thiệt mạng, nhiều tài sản, cây trồng vật nuôi bị chết, hư hỏng. Riêng về giao thông, sạt lở, lũ lụt đã làm chia cắt nhiều tuyến đường, gây hư hại nhiều công trình cầu cống… Ước tính tổng thiệt hại lên đến 200 tỷ đồng.
Sau bão số 3, đất đá từ taluy dương đổ tràn xuống đường
gây chia cắt giao thông trên nhiều tuyến đường ở Hoà Bình.
Theo thống kê của Sở GTVT Hoà Bình, từ đầu năm tới nay, mưa bão đã có 439 vị trí bị sạt lở taluy dương, với khối lượng sạt lở là hơn 68.000m3, sạt lở taluy âm 55 vị trí với tổng chiều dài là 965m, hai cầu hư hỏng, 21 ngầm tràn bị ngập… Các thiệt hại này chủ yếu do cơn bão số 3 gây ra.
Suốt thời gian trước, trong và sau mưa bão, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư công nhân ở Hoà Bình đã không quản khó khăn, sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để thông đường, đảm bảo giao thông trên các tuyến được thông suốt.
Về phía Sở GTVT Hoà Bình, từ giám đốc, phó giám đốc cho đến các lãnh đạo phòng ban, chuyên viên lần lượt đi tới các tuyến đường, vị trí sạt, ngập để nắm bắt tại hiện trường và đưa ra phương án xử lý trong thời gian sớm nhất.
Để khắc phục hết các điểm sạt lở, nơi cầu, ngầm tràn hư hỏng nhằm khôi phục
giao thông phát triển kinh tế, Hoà Bình cần phải dự chi tới hơn 400 tỷ đồng.
(Ảnh: Điểm sạt tại Km 16+200 đường tỉnh 448)
Nhớ lại buổi sáng ngày 6/9, ông Võ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hoà Bình kể: Khi Hoà Bình mưa lớn dài ngày, đường tỉnh 433 con đường độc đạo nối từ TP Hoà Bình lên huyện Đà Bắc bị sạt lở hàng chục điểm, giao thông tê liệt hoàn toàn. Tuy nhiên, nhận được tin ở xã Tân Minh, Đà Bắc xảy ra sạt lở, sập nhà làm 5 người trong gia đình chết, mất tích, lãnh đạo Sở đã họp chỉ đạo và quyết định lập đoàn lên chỉ đạo hiện trường để thông xe trong thời gian sớm nhất, tôi đã cùng với 2 cán bộ phòng kết cấu hạ tầng đi lên hiện trường.
Khi ra đến gần hết thành phố, đập vào mắt đoàn cán bộ sở là cảnh tượng một nửa quả đồi sạt xuống chắn ngang đường, đất đá nhầy nhụa. Các nhân viên tuần đường báo về, toàn tuyến còn gần chục điểm như vậy nữa. Đấy là mới tính những nơi có người tiếp cận được, nơi có sóng điện thoại để báo về, còn thực tế khủng khiếp hơn nhiều. Để tạo động lực cho các kỹ sư, công nhân lái máy, người lãnh đạo 61 tuổi vẫn băng băng lội qua điểm sạt, đứng dưới chân đồi - nơi mà đất đá chờ chực sạt lở để làm hoa tiêu cho xe máy san gạt bùn đất thông đường.
Với nỗ lực không mệt mỏi của mọi người, đến gần trưa, một con đường cứu trợ được mở thông tới Đà Bắc, từng đoàn xe cứu hộ của quân đội, công an nhờ đó đã đến được hiện trường để giúp đỡ dân vùng gặp nạn. Chiều cùng ngày, đoàn xe chở đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đến được hiện trường để thăm hỏi động viên gia đình người bị nạn và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất.
Theo Sở GTVT tỉnh Hoà Bình, để khôi phục giao thông, xóa đi các mối nguy hiểm tiềm tàng trên các tuyến đường, nhà nước cần đầu tư thay thế 7 ngầm trên các tuyến đường quốc lộ, 7 ngầm trên đường tỉnh (trong đó đề nghị thay thế ngầm Suối Láo và ngầm Trầm thành cầu); đường huyện cần thay thế 12 cầu, 13 ngầm. Tổng kinh phí dự kiến cần khoảng 390 tỷ đồng.
Sở này cũng đề xuất tiến hành lập dự án sửa chữa đột xuất, xử lý sạt lở tại Km3+300, Km5+800, Km75+750 ĐT433 (TP Hoà Bình) với tổng kinh phí ước tính khoảng 30 tỷ đồng; sửa chữa điểm sạt taluy âm tại Km3+800 ĐT440 (địa phận xã Phong Phú, huyện Tân Lạc), với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng; xử lý hư hỏng mặt đường làm rãnh thoát nước trên ĐT444 và khắc phục điểm nguy cơ sạt lở tại Km16+200 ĐT448, tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng.
Hiện Sở GTVT Hoà Bình đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án, trình UBND tỉnh, Bộ GTVT để sớm có thể tiến hành sửa chữa, khôi phục giao thông.
P.V