Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng xe buýt, xe khách liên tỉnh

Thứ ba, 05/11/2024 08:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, ngành GTVT Thanh hóa đã tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt, xe khách liên tỉnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Hành khách làm thủ tục đặt vé trên các tuyến
của nhà xe Vân Anh Limousine (TP Thanh Hóa)

Nhằm từng bước nâng cao chất dịch vụ vận tải hành khách, các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn tỉnh đang chủ động đầu tư thay mới phương tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách bằng xe buýt. Đầu năm 2024, Công ty TNHH Hoa Dũng (TP Thanh Hóa) đã đầu tư mua mới 22 chiếc xe ô tô Gez 16 chỗ ngồi và 8 chỗ đưa vào khai thác vận chuyển hành khách tuyến xe buýt số 4 (TP Thanh Hóa – thị xã Bỉm Sơn). Đây là lô xe có hệ thống cửa xe lên xuống tự động, có máy lạnh, phù hợp phục vụ vận tải khách công cộng tại các đô thị. Theo đại diện Công ty TNHH Hoa Dũng, hiện đơn vị có hơn 50 phương tiện hoạt động trên các tuyến xe buýt số 4, số 5 và số 8. Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đơn vị đang tích cực đầu tư mua xe mới, từng bước thay thế xe cũ đang hoạt động.

Thực hiện Quyết định số:1895/QĐ-UBND, ngày 26/5/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt giai đoạn 2020-2024”, Sở GTVT khuyến khích các đơn vị khai thác xe buýt đầu tư phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ của các tuyến hiện có. Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, xây dựng các điểm dừng đỗ, nhà chờ thuận tiện cho người dân, người khuyết tật khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có 3 tuyến xe buýt đến nay mạng lưới xe buýt đã phủ kín 20 huyện, thị xã, thành phố, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Với chủ trương “đi có đón, về có đưa”, Công ty TNHH Du lịch và vận tải Vân Anh (TP Thanh Hóa) đã đầu tư 30 xe 24 giường Cabin VIP và 80 xe trung chuyển đón trả hành khách 2 đầu. Hiện công ty đang triển khai 3 tuyến trọng điểm là TP Thanh Hóa – Hà Nội, TP Sầm Sơn – Hà Nội và huyện Triệu Sơn – Hà Nội. Các chuyến xe tại mỗi điểm được bố trí cách nhau 1 giờ vào các khung giờ thuận lợi, tạo điều kiện tối đa cho việc di chuyển của hành khách. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch và vận tải Vân Anh, cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, nhà xe Vân Anh Limousine đã tập trung đầu tư phương tiện, tập huấn cho nhân viên đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách. Đồng thời, sắp xếp nhân viên trực tổng đài 24/7 để tiếp nhận thông tin đặt vé, phản ánh của hành khách để kịp thời xử lý, hỗ trợ trong quá trình di chuyển. Trong những dịp cao điểm, công ty bố trí nhân viên tại Bến xe phía Bắc để phục vụ hành khách đến nhận vé cũng như trong lúc chờ đến giờ xe xuất bến...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 736 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng với 1.057 phương tiện. Trong đó có 113 doanh nghiệp với 472 xe; 10 HTX với 27 xe; 614 hộ kinh doanh với 558 xe. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoạt động vận tải hành khách, Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, rà soát cấp phù hiệu cho các xe ô tô kinh doanh vận tải, giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, giấy phép liên vận Việt – Lào, tuyến vận tải hành khách cố định...

Theo Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT), để nâng cao chất lượng vận tải phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh và du khách, ngành giao thông khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, theo dõi phương tiện và người lái xe khi tham gia kinh doanh vận tải. Hàng năm, đơn vị phối hợp với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao tay nghề, văn hóa ứng xử cho đội ngũ lái xe và phụ xe và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Các doanh nghiệp thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì tình trạng kỹ thuật phương tiện; đầu tư, đổi mới, bổ sung phương tiện, loại bỏ các phương tiện đã quá cũ hoặc đã sử dụng lâu năm, tình trạng máy móc, kỹ thuật đã xuống cấp hay hư hỏng.

Đồng thời, các doanh nghiệp niêm yết đầy đủ thông tin tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải tại phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe theo đúng quy định. Đơn vị thường xuyên bố trí cán bộ theo dõi thông tin dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình kiểm soát các tiêu chí phục vụ hành khách của các doanh nghiệp, như: Chạy đúng lộ trình, dừng đón trả khách đúng quy định, chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ của nhân viên trên xe...

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)