Cần Thơ: Mở rộng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

Thứ hai, 25/11/2024 15:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, TP Cần Thơ đã không ngừng phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động, kinh doanh xe buýt.

Ðến nay, trên địa bàn thành phố có 11 tuyến xe buýt nội thành hoạt động và đang lựa chọn đơn vị hoạt động thêm 3 tuyến xe buýt liền kề thành phố, dự kiến đầu năm 2025 sẽ đi vào hoạt động.

Các tuyến xe buýt nội thành đang phục vụ tốt nhu cầu đi lại

của người dân thành phố.

Nhiều thuận tiện khi đi xe buýt

Ðối với các thành phố lớn như Cần Thơ, việc phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn rất quan trọng, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân (nhất là người lao động, học sinh, sinh viên…), đồng thời góp phần giảm phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông khu vực đô thị.

Theo Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ), UBND TP Cần Thơ đã công bố Danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề trên địa bàn TP Cần Thơ (tại Quyết định số 1441/QÐ-UBND ngày 16/6/2023). Cụ thể, tuyến xe buýt nội tỉnh là 258km/11 tuyến, do Công ty Cổ phần Phương Trang - FUTA Bus Lines khai thác. Tuyến xe buýt liền kề 532,6km/10 tuyến, tổng số phương tiện khai thác là 70, do Sở Giao thông vận tải các tỉnh đang quản lý đầu tuyến, gồm tỉnh Vĩnh Long (2 tuyến), tỉnh Sóc Trăng (2 tuyến), tỉnh Ðồng Tháp (2 tuyến), tỉnh Hậu Giang (3 tuyến), tỉnh An Giang (1 tuyến). Tuyến xe buýt liền kề dự kiến mở mới (Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ quản lý đầu tuyến) 211km/5 tuyến.

Nhìn chung, từ khi đi vào khai thác các tuyến xe buýt nội tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố tham gia sử dụng xe buýt. Về sản lượng khai thác và doanh thu các tuyến xe buýt trong 10 tháng của năm 2024, tổng số chuyến là 129.011 (tăng 64% so với cùng kỳ), tổng số hành khách 861.953 lượt (tăng 25% so với cùng kỳ).

Bên cạnh thuận lợi, VTHKCC bằng xe buýt vẫn còn một số khó khăn phát sinh, chẳng hạn như tuyến xe buýt Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - Thị trấn Phong Ðiền - Khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào đang hoạt động vắng khách, do điểm cuối tuyến chưa được kết nối đối lưu với các vùng lân cận. Tuyến Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ tạm ngưng hoạt động từ tháng 7-2023. Các tuyến xe buýt mở mới (8, 9, 10, 11) người dân chưa biết nhiều, nên vắng khách và sản lượng chưa tăng. Ngoài ra, nhiều người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp như công nhân lao động trong các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên vẫn đang chọn phương tiện xe cá nhân khi đi lại mà chưa ưu tiên lựa chọn phương tiện di chuyển là xe buýt…

Sẽ sớm mở 3 tuyến xe buýt liền kề

Ông Nguyễn Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị, cho biết: Với 10/11 tuyến xe buýt đang hoạt động, tổng số gần 70 phương tiện hiện đại, xe buýt đang đáp ứng được nhu cầu đi lại người dân và các tuyến đang kết nối được các quận, huyện. Trong đó, đối với 3 tuyến hoạt động chưa hiệu quả cũng đang trong quá trình điều chỉnh lại lộ trình từng tuyến cho phù hợp tình hình thực tế khai thác. Ðó là tuyến tuyến (2) Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - thị trấn Phong Ðiền - Khu di tích lịch sử Ông Hào, tuyến (10) Phong Ðiền - Thới Lai, tuyến (4) Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ. Ðồng thời, Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị đang trong quá trình lựa chọn đơn vị khai thác 3 tuyến xe buýt liền kề, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024 hoặc quý I-2025.

Theo đó, các tuyến xe buýt liền kề chuẩn bị mở gồm: Công viên Sông Hậu (TP Cần Thơ) - thị trấn Kinh Cùng (tỉnh Hậu Giang), huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ) - thị trấn Bảy Ngàn (tỉnh Hậu Giang), Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ -  thị trấn Ðại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng).

Ngoài mở tuyến liền kề, thời gian tới Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị còn phối hợp với Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt; trong đó chú trọng đến việc giáo dục, nâng cao ý thức, thái độ của đội ngũ lái xe, tiếp viên chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Về cơ sở hạ tầng, TP Cần Thơ tiếp tục xây dựng những điểm dừng; làm lại mới các nhà chờ còn lại trên tuyến, thông tin về lộ trình, đặc biệt thông tin giờ xe trên hệ thống hạ tầng xe buýt toàn thành phố (tại các đầu tuyến, các điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển xe buýt); xây dựng điểm đầu, điểm cuối bến xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ. Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị tham mưu, đề xuất công tác xây dựng quy trình “định mức - đơn giá cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố” làm cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá và mở rộng mạng lưới tuyến./.

kimcuc

Nguồn: Báo Cần Thơ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)