Trong giai đoạn 2021- 2024, tỉnh Yên Bái đã bố trí 527 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo các tuyến đường tỉnh, sửa chữa, thay thế các cầu yếu, ngầm tràn; bổ sung, thay thế hệ thống biển báo... Bộ Giao thông vận tải cũng bố trí 620 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo các đường quốc lộ.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Việt Dũng kiểm tra phương án
tuyến dự án đường Yên Thế - Vĩnh Kiên, đoạn Yên Thế - Cảm Nhân
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã xác định một trong ba đột phá chiến lược, đó là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là lĩnh vực giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, đô thị, khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển”.
Trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh có 26 dự án, công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 13.300 tỷ đồng; trong đó có 17 dự án, công trình hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng. Đến nay, đã có 16/17 dự án, công trình được khởi công xây dựng.
Một số dự án đã được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: cầu Giới Phiên, đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh; đường Văn Chấn (Yên Bái) - Yên Lập (Phú Thọ); đường Sơn Lương - Nậm Mười - Sùng Đô….
Một số dự án, công trình chuẩn bị được đưa vào khai thác, sử dụng như: đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án cải tạo, nâng cấp đường nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); dự án cải tạo, nâng cấp đường Yên Thế - Vĩnh Kiên...
Cùng với việc đầu tư xây dựng mới các công trình giao thông, công tác sửa chữa, bảo trì, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh luôn UBND tỉnh và ngành giao thông vận tải đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn 2021- 2024, tỉnh đã bố trí 527 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo các tuyến đường tỉnh, sửa chữa thay thế các cầu yếu, ngầm tràn, bổ sung, thay thế hệ thống biển báo giao thông. Bộ Giao thông vận tải cũng bố trí 620 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo các quốc lộ, sửa chữa thay thế các cầu yếu, ngầm tràn, bổ sung, thay thế hệ thống an toàn giao thông.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều tuyến đường trọng điểm của tỉnh bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại, lưu thông của người dân. Cụ thể, bão số 3 đã làm sạt lở taluy dương gần 600 vị trí với khoảng 120.000 m3 đất, đá; sạt lở taluy âm gần 600 m3 với 38 vị trí trên các tuyến quốc lộ. Đường tỉnh sạt lở taluy dương 680 vị trí với khoảng 450.000m3 đất đá; sạt lở taluy âm gần 650 m3 với 41 vị trí. Các tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở trên 2.000 vị trí, 5 cầu bị hư hỏng, trôi sập; các tuyến đường giao thông trọng điểm đang thực hiện đầu tư bị hư hỏng, sạt lở 216 vị trí sụt trượt taluy âm và taluy dương.
Để khắc phục, ông Trần Việt Dũng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái cho biết: Sở đã huy động nhân lực, thiết bị, máy móc triển khai công tác khắc phục bão lũ, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh được giao quản lý theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương khắc phục, đảm bảo giao thông trên một số tuyến đường đô thị, đường huyện do địa phương quản lý.
Sở cũng đã tổ chức kiểm định, đánh giá an toàn một số công trình cầu lớn trên sông Hồng và sông Chảy như cầu Tô Mậu, cầu Yên Bái. Đến nay, các tuyến quốc lộ và đường tỉnh đã cơ bản thông tuyến.
Trao đổi với phóng viên về việc sửa chữa công trình cầu Văn Phú, cầu Yên Bái thời điểm này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Việt Dũng cho biết: Cầu Văn Phú bắt đầu sửa chữa từ ngày 15/10/2024, hiện đang thi công phần dầm cầu, gối cầu, mặt cầu. Dự kiến cầu thông xe kỹ thuật trước ngày 31/12 năm nay và thi công hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng trước ngày 25/1/2025.
Đối với cầu Yên Bái, hiện Sở Giao thông vận tải đang trình Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo kinh tế - kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu kiểm định công trình. Dự kiến hoàn thành công tác kiểm định trong tháng 12/2024. Trên cơ sở kết quả kiểm định, nếu công trình mất an toàn, không đủ điều kiện để khai thác, Sở Giao thông vận tải sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam phương án sửa chữa, khắc phục.
Với các dự án giao thông đang triển khai, Sở Giao thông vận tải tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thi công, tư vấn giám sát tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, nhất là các công trình sửa chữa trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng để sớm đưa vào khai thác, sử dụng; thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đồng thời tham mưu, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh đầu tư sửa chữa, khắc phục bất cập về tổ chức giao thông, từng bước xóa bỏ các "điểm đen”, "điểm tiềm ẩn” mất an toàn giao thông; thay thế các cầu yếu, cầu nhỏ không đủ khẩu độ, ngầm tràn hư hỏng mất an toàn giao thông; thay thế, bổ sung, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông trên các tuyến đường được giao quản lý.