Điện Biên: Đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối phát triển kinh tế

Thứ sáu, 13/12/2024 08:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xác định đầu tư hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tập trung bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông.

Đường xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) được đầu tư nâng cấp, rải nhựa, đi lại thuận lợi.

Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thương hàng hóa và liên kết kinh tế với các địa phương trong cả nước.

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến đường liên xã Nà Khoa - Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024. Đây là tuyến đường "huyết mạch" để người dân Nậm Nhừ di chuyển đi Nà Khoa và trung tâm huyện. Theo thiết kế, đường được bê tông với chiều rộng mặt đường 3,5m, dài gần 10km. Khi tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân đi lại dễ dàng hơn; kết nối xã Nậm Nhừ với các xã lân cận, việc tiêu thụ nông sản của địa phương được thuận lợi.

Ông Lò Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Nhừ chia sẻ: Hiện nay, xã có 6 bản với gần 4.000 nhân khẩu đều di chuyển lưu thông qua tuyến đường này. Nếu không có đường kiên cố, việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Tiểu thương cũng không thể vào xã thu mua nông sản, khiến đời sống người dân càng vất vả. Với sự quan tâm của cấp trên, tuyến đường được bê tông hóa; hứa hẹn tạo điều kiện lưu thông thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.

Công ty TNHH Sơn Nhị Điện Biên huy động nhân công và máy móc
đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Nà Khoa - Nậm Nhừ.

Hai năm gần đây, trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã đầu tư xây dựng và nâng cấp gần 70km đường giao thông nông thôn, với nhiều tuyến đường huyết mạch. Nhờ có sự quan tâm đầu tư đó, đến nay, huyện Nậm Pồ đã có 659,081km đường huyện, đường xã, đường nội bản được cứng hóa. Trong đó, tổng chiều dài đường giao thông được cứng hóa theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải về tiêu chí nông thôn mới có 25km đường nhựa, 199,65km đường bê tông, 144,35km đường cấp phối. Giao thông được nâng cấp, người dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy mua bán, trao đổi nông sản trên địa bàn. Ông Lý Thanh Tiềm, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Với sự quan tâm phát triển đồng bộ, đến nay, một số tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện đã được cứng hóa đảm bảo tiêu chuẩn. Sau khi đưa vào sử dụng, các tuyến đường đều phát huy hiệu quả, không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tuyến đường từ trung tâm huyện Nậm Pồ đến xã Nà Khoa đang được đầu tư nâng cấp.

Điều kiện địa hình đồi núi chia cắt gây ra không ít khó khăn trong công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, song xác định kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện Tủa Chùa đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp mạng lưới hạ tầng giao thông. Ông Lê Quang Đạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Tủa Chùa cho biết: Chỉ tính trong 2 năm (2023 - 2024), đơn vị đã thực hiện hơn 30 công trình, dự án đầu tư xây dựng trên 36km đường giao thông trên địa bàn. Ngoài ra, UBND các xã và Phòng Kinh tế hạ tầng cũng tiến hành xây dựng một số tuyến đường khác trong huyện. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được mở rộng và cứng hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa dễ dàng hơn.

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải Điện Biên  được ủy quyền quản lý bảo trì 6 tuyến quốc lộ với chiều dài 592,62km và giao quản lý 12 tuyến đường tỉnh có chiều dài 313,17km. Ngoài các tuyến quốc, tỉnh lộ, nhiều tuyến đường huyện, xã và bản cũng được quan tâm, ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp. Tỉnh Điện Biên đã lồng ghép các chương trình dự án, phát huy vốn xã hội hóa và vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động để phát triển giao thông nông thôn. Đến nay, 100% tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện được cứng hóa bằng bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng. Các tuyến đường thôn, bản cũng được đầu tư cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Theo định hướng, từ nay đến năm 2030, Điện Biên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính đột phá để mở ra cơ hội nâng cao năng lực kết nối tỉnh với các địa phương.

Tủa Chùa triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Giao thông được đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Hạ tầng giao thông phát triển sẽ tạo điều kiện để Điện Biên phát huy vai trò trung tâm trong liên kết phát triển kinh tế vùng khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

 

Theo Báo Điện Biên

Báo Điện Biên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)