Thái Bình: Đột phá hạ tầng giao thông

Thứ năm, 16/01/2025 10:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2025 diễn ra đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đánh dấu thời điểm cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sứ mệnh “đi trước mở đường”, hạ tầng giao thông của Thái Bình đã có những bước phát triển đột phá, từng bước được đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thi công dự án đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” để bứt tốc

 Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài trên 43km, ngoài 9km của giai đoạn 1; đoạn còn lại trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải có chiều dài trên 34km. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, thời gian qua, có thời điểm công trình thi công chưa bảo đảm tiến độ đề ra do ảnh hưởng của một số nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu và sự thiếu hụt nguồn cung… Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, Ban Quản lý dự án đã tham mưu với tỉnh xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với Ban Quản lý dự án để bám nắm các bộ, ngành trung ương nhằm đẩy nhanh tiến độ thẩm định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh chủ trương dự án. 

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ban Quản lý dự án sẽ tập trung đôn đốc các đơn vị nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ đề ra. Phấn đấu hoàn thành dự án trong quý III/2025. Một dự án khác cũng đang được tỉnh chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành trong tháng 9/2025 là dự án tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình.

Trực tiếp kiểm tra tại công trường thi công dự án vào cuối tháng 12/2024, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại dự án. Trong đó, đồng chí đề nghị huyện Vũ Thư và Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công cần tăng cường công tác phối hợp để giải quyết dứt điểm những tồn tại về mặt bằng trong thời gian sớm nhất. Cần bố trí nguồn lực tài chính để chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các vị trí vướng mắc; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất. 

Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Thời gian qua, công tác GPMB tại dự án gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của dự án, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm tháo gỡ từng điểm nghẽn, nút thắt về mặt bằng tại dự án. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các bước quy trình, bồi thường hỗ trợ GPMB; đẩy nhanh tiến độ khu tái định cư, chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ bàn giao trước mặt bằng; chỉ đạo các lực lượng đoàn thể hỗ trợ vận chuyển, di dời tài sản của các hộ dân đã đồng ý bàn giao… Đến nay, những vướng mắc đã dần được tháo gỡ. Huyện quyết tâm hoàn thành GPMB để bàn giao cho đơn vị thi công trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. 

Cầu sông Hồng hợp long tháng 9/2024, là dấu mốc quan trọng
thúc đẩy quá trình hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển trong năm 2025.

Bước vào kỷ nguyên mới 

Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tỉnh Thái Bình quyết tâm thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, được sự quan tâm của trung ương, các bộ, ngành và sự chủ động của tỉnh, tỉnh Thái Bình đã dành trên 21.000 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, sửa chữa, đồng bộ hạ tầng giao thông. Hàng loạt dự án đầu tư xây dựng như tuyến đường bộ ven biển, đường tỉnh 221A, đường tỉnh 454, đường vành đai phía Nam thành phố… đã và đang được triển khai, đưa vào sử dụng. Nhiều công trình, dự án đang tăng tốc, bứt phá để về đích trong năm 2025. 

Theo đó, dự kiến, tỉnh Thái Bình sẽ đón nhận những niềm vui mới khi tuyến đường bộ ven biển, đường vành đai phía Nam thành phố… hoàn thành. Nhiều công trình, dự án có tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh đã và đang được quan tâm, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ như tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình, đường thành phố Thái Bình - cồn Vành, đường thành phố đi Sa Cao. Và đặc biệt, ngay từ đầu năm tỉnh sẽ khởi công “siêu” dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình. 

Tuyến đường bộ cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bằng phương thức đối tác công tư. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc (TCVN 5729:2012), với 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/h. Trong đó, đoạn qua tỉnh Thái Bình có chiều dài hơn 33km. Được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực hiện triển khai dự án, tỉnh Thái Bình đã tích cực, chủ động nắm bắt tình hình, các trình tự thủ tục để triển khai dự án; đồng thời tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung cao nhất cho công tác GPMB. 

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Thái Bình xác định công tác GPMB dự án đường cao tốc CT.08 là nhiệm vụ rất quan trọng và là điều kiện tiên quyết quyết định đến tiến độ dự án. Do đó, công tác GPMB được thực hiện song song ngay từ bước lập hồ sơ. Đến nay, dự án nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân trong công tác GPMB. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành GPMB phần diện tích đất nông nghiệp trong tháng 12/2024. Tỉnh cũng đang triển khai song song các phần việc, để sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, sẽ có thể khởi công dự án trong thời gian sớm nhất. 

Với những dấu ấn, điểm nhấn về phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua, Thái Bình sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, bắt kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Ông Trần Quang Triển, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Bám sát mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong Quy hoạch tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đang tiếp tục tham mưu với tỉnh và chủ trì phối hợp với các ngành thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, trong đó đầu tư các tuyến đường trọng điểm, trục chính kết nối với các tỉnh lân cận. Trên địa bàn tỉnh trong tương lai hình thành 3 tuyến cao tốc là Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đường vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến cao tốc CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế ven biển - thành phố Thái Bình với vùng kinh tế phía Tây Bắc Thủ đô và các vùng kinh tế miền Trung, miền Nam. 

Tin tưởng rằng, hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ giúp Thái Bình kết nối với các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Những cung đường mới sẽ đem đến nhiều kỳ vọng lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.

kimcuc

Nguồn: Báo Thái Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)