Cục CSGT (Bộ Công an) vừa ban hành kế hoạch Triển khai Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Trị- Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng. Việc xử lý vi phạm qua Hệ thống giám sát thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 165/2013/NĐ-CP, Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và các Thông tư của Bộ Công an quy định về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Cảnh sát giao thông.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT
bàn giao hệ thống giám sát tại các tỉnh miền Trung
Theo đó, từ 25/11/2021, việc xử lý mọi trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện thông qua Hệ thống giám sát trên quốc lộ 1A nếu đủ căn cứ xử phạt đều phải lập biên bản vi phạm hành chính ngay sau khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Thực hiện việc kết nối với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện cải cách thủ tục trong xử phạt vi phạm hành chính. Các hành vi vi phạm do Hệ thống giám sát ghi nhận được phải thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc kết quả ghi thu và lưu giữ trong hồ sơ vụ, việc vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và của Bộ Công an.
Hình ảnh phương tiện vi phạm ghi nhận qua Hệ thống giám sát được thông báo đến Tổ CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến để thực hiện dừng phương tiện, kiểm soát và xử lý vi phạm theo quy định. Kết thúc ca tuần tra, kiểm soát, Tổ trưởng Tổ CSGT có trách nhiệm thống kê cụ thể các vụ, việc đã kiểm soát, xử lý về Trung tâm điều hành hệ thống để tập hợp báo cáo lãnh đạo đơn vị. Cán bộ trực tại Trung tâm điều hành có trách nhiệm thống kê các vụ, việc, in hình ảnh phương tiện vi phạm phát hiện qua Hệ thống giám sát chưa được kiểm soát, xử lý vi phạm, báo cáo đề xuất với người có thẩm quyền để thực hiện xử lý theo quy định. Trường hợp không dừng ngay được phương tiện vi phạm để kiểm soát, xử lý, thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an, cụ thể:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh thông tin về phương tiện, chủ phương tiện vi phạm và tiến hành gửi Thông báo vi phạm kèm theo hình ảnh phương tiện vi phạm tới chủ phương tiện, yêu cầu đến giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định. Đồng thời, cập nhật thông tin phương tiện vi phạm (loại phương tiện, biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; số điện thoại liên hệ xử lý vi phạm) vào phần mềm trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT để chủ phương tiện, người vi phạm biết, đến giải quyết theo quy định và phần mềm cơ sở dữ liệu Hệ thống giám sát để cảnh báo phương tiện vi phạm.
Trường hợp quá thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo vi phạm mà người vi phạm chưa đến giải quyết vụ việc vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt tiếp tục thực hiện gửi thông báo đến Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện cư trú, học tập, công tác hoặc nơi đặt trụ sở chính; đồng thời, gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm đối với chủ phương tiện xe ô tô, rơ moóc, sơmi rơ mooc, xe máy chuyên dùng, để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định. Sau khi người vi phạm đã đến giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, người có thẩm quyền phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết; đồng thời, cập nhật thông tin đã xử phạt vào phần mềm trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT và phần mềm cơ sở dữ liệu của Hệ thống giám sát, để kết thúc cảnh báo phương tiện vi phạm.
Việc xử lý vi phạm qua Hệ thống giám sát thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 165/2013/NĐ-CP, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Công an quy định về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Cảnh sát giao thông.