Những dòng xe phổ thông cỡ nhỏ giờ đây cũng được trang bị công nghệ an toàn chủ động, thứ vốn chỉ có trên xe sang trước đây.
Công nghệ an toàn trên ô tô được chia thành hai nhóm là chủ động và bị động. An toàn bị động là những thứ giúp người ngồi trên xe giảm thiểu rủi ro khi đã xảy ra va chạm như túi khí, dây an toàn, khung xe, ngược lại công nghệ an toàn chủ động là thứ giúp giảm khả năng xảy ra va chạm.
Dây đai an toàn ba điểm có thể coi là tính năng khởi đầu cho các công nghệ an toàn ngày nay. Dây đai ba điểm do kỹ sư người Thụy Điển Nils Bohlin phát minh từ hơn 60 năm trước.
Những năm sau đó, bắt đầu các hãng nghĩ tới việc, phải làm cách nào để tai nạn không xảy ra, hoặc nếu có thì cũng giảm thiểu tối đa chấn động, đó là lúc các công nghệ an toàn chủ động ra đời.
Về bản chất, các công nghệ an toàn chủ động không thể ngăn chặn hoàn toàn va chạm nhưng giúp người lái nhận biết trước, cảnh báo sớm, thậm chí can thiệp một phần giúp giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn va chạm. Tuy nhiên, đa số các công nghệ này trước đây chỉ được ưu tiên phát triển cho xe sang do chi phí cao.
Càng về sau, tham vọng về một chiếc xe thông minh, an toàn khiến các kỹ sư muốn chiếc xe nhiều công nghệ hơn. Những ý niệm về việc thay đổi một chiếc không cần người lái giúp các kỹ sư cho ra các công nghệ hỗ trợ lái và giảm thiểu rủi ro khi di chuyển.
Những cái tên quen thuộc như phanh ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử là thứ sơ khởi cho an toàn chủ động. Cân bằng điện tử giúp xe có thể cân bằng, ổn định hơn khi đi vào đường trơn trượt. Phanh ABS giúp xe không bị bó phanh khi phanh gấp hay hệ thống ổn định thân xe điện tử giúp xe hạn chế bị lật khi vào cua, hay phanh gấp ở tốc độ cao.
Sau đó là những cảm biến, camera lùi và ngày nay có hàng loạt công nghệ khác, đỉnh cao là những công nghệ sử dụng camera, radar để đọc tình huống. Nổi bật là cảnh báo và hỗ trợ giữ làn đường, xe sẽ không di chuyển ra khỏi làn đang chạy khi người lái xao nhãng, vô-lăng sẽ tự đánh trả về làn cũ.
Tính năng cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi. Ảnh: Volvo
Cảnh báo va chạm trước, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi là nhóm tiếp theo trong các công nghệ an toàn tiên tiến. Các nhóm cảnh báo này ở tùy mẫu xe có thể kèm theo cả phanh khẩn cấp khi người lái không chú ý. Ngoài ra, để việc lái xe trở nên nhàn hơn, một số hãng xe trang bị ga tự động thích ứng, điều khiển chân ga trên nhiều dải tốc độ, xe sẽ tự bám theo xe phía trước và luôn giữ khoảng cách an toàn.
Tại Việt Nam, những tính năng này đã xuất hiện trên các mẫu xe sang từ 2005-2010. Tuy nhiên, do các yếu tố như người dùng quan tâm hơn đến an toàn, các hãng cạnh tranh nhau và giá đầu tư ban đầu giảm, các mẫu xe phổ thông cũng dần dần được cập nhật các tính năng này.
Đơn cử, với những mẫu xe cỡ A, B trên thị trường hiện nay, tính năng kiểm soát hành trình (ga tự động) ngày càng phổ cập. Cảnh báo điểm mù, cảnh báo tiền va chạm, cảnh báo lệch làn đường không còn xa lạ với những mẫu xe có giá bán khoảng 700 triệu đồng. Các gói tính năng này dần trở thành tiêu chuẩn cho những mẫu xe từ 1,2-1,5 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, công nghệ trên ôtô thông minh đến đâu thì con người vẫn là trung tâm điều khiển. Thực tế, các nhà sản xuất dù cạnh tranh quyết liệt, áp dụng nhiều công nghệ an toàn mới nhưng không bao giờ bỏ qua sự chủ động của tài xế. Xe tự hành hoàn toàn là đích đến của tương lai, nhưng các hãng cần thêm thời gian để khiến ôtô thông minh hơn, hạ tầng giao thông hoàn thiện và đồng bộ hơn. Vì vậy dù xe nhiều công nghệ, tài xế cũng phải luôn tập trung vào tay lái để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp.