Các kỹ sư Trung Quốc cho biết họ đã phát triển một hệ thống thử nghiệm có thể tăng tốc tàu lên 1.000 km/h trong đường ống chân không, nhanh hơn các tàu đệm từ hiện nay.
Dự án tàu đệm từ đường ống chân không thấp
đang được phát triển ở tỉnh Sơn Đông. Ảnh: CASIC
Nhóm kỹ sư làm việc trong dự án ở miền trung Trung Quốc cho biết họ hướng tới xây dựng một hệ thống giao thông đệm từ trong đường ống chân không ma sát thấp với tốc độ siêu cao bằng cách kết hợp công nghệ đường sắt và hàng không vũ trụ, South China Morning Post hôm 24/10 đưa tin. Các kỹ sư đến từ Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) hy vọng họ có thể vận hành tàu đệm từ trong đường ống với không khí cực mỏng, có nghĩa con tàu sẽ "bay trên mặt đất" ở tốc độ ngang ngửa máy bay. Công nghệ sẽ giải quyết hai vấn đề lớn nhất trong vận tải tàu hỏa gồm ma sát giữa bánh xe với đường ray và lực cản không khí với thân tàu.
Đường tàu đệm từ trong đường ống chân không dài 2 km nằm ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, lấy cảm hứng từ dự án Hyperloop của tỷ phú Mỹ Elon Musk. CASIC cho biết đơn vị này đang giữ quyền sở hữu trí tuệ đối với đường tàu ở Sơn Tây. Quá trình xây dựng đường tàu trở nên khả thi nhờ sự phát triển nhanh chóng của vật liệu công nghiệp mới ở Trung Quốc. Ví dụ, đường tàu đệm từ cần thép có độ từ thẩm thấp, hay phản ứng chậm với từ trường. Nếu không, đường tàu sẽ sản sinh dòng điện xoáy gây tiêu hao năng lượng trong quá trình vận hành. Thanh cốt thép do công ty Baowu Taigang Trung Quốc sản xuất đáp ứng hoàn hảo tiêu chuẩn trên. Ngoài những đặc điểm cơ học và độ từ thẩm thấp, thanh cốt thép của họ còn có độ bền cao.
Zhao Ming, trưởng ban Công nghệ đệm từ và Lực đẩy điện từ ở CASIC, cho biết tàu đệm từ mới sẽ an toàn và ổn định như máy bay. Áp suất của đường ống có thể khôi phục về mức bình thường trong 5 phút. Theo ông, khoảng cách giữa những thành phố lớn ở Trung Quốc lên đến hơn 965 km, do đó cần đạt tốc độ giao thông 1.000 km/h.
Tuy nhiên, Lu Fang, kỹ sư ở Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho biết có nhiều rủi ro về công nghệ như nguy cơ trật đường ray hoặc mất phanh. Loại tàu này cũng có yêu cầu cao về hành trình, vì vậy thiết kế tuyến đường sẽ phá hủy đất trồng trọt. Ngoài ra, chi phí cơ sở hạ tầng cao cũng là một thách thức.