Luật mới về PPP và kỳ vọng tạo đột phá thu hút đầu tư

Thứ ba, 02/03/2021 08:31
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học của PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái, Trường Đại học Giao thông vận tải về những điểm mới của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư số 64/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 so với qui định tại Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, chỉ ra trách nhiệm và vấn đề Chính phủ cần triển khai khi thực hiện luật PPP.

Ảnh minh họa

Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư số 64/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 so với quy định hiện hành tại Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (sau đây gọi tắt là Luật Đầu tư và nghị định hướng dẫn thi hành), thì luật PPP có rất nhiều điểm mới.

Thu hẹp các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP

Theo Quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư thì lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đã thu hẹp chỉ còn 5 lĩnh vực sau: (1) Giao thông vận tải; (2) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; (3) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; (4) Y tế; Giáo dục - Đào tạo; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin. Việc thu hẹp lĩnh vực đầu tư cho thấy định hướng mang tính trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư tràn lan gây thất thoát lãng phí ngân sách, tài sản Nhà nước.

Thu hẹp hình thức đầu tư theo phương thức PPP

Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư được giải thích tại khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư như sau: “Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”. Cơ sở để hợp tác giữa hai chủ thể này là hợp đồng dự án PPP. Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP. Hợp đồng dự án PPP bao gồm: Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Hợp đồng BTO); Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (Hợp đồng BOO); Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (Hợp đồng O&M); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (Hợp đồng BTL); Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (Hợp đồng BLT); Hợp đồng hỗn hợp.

Thay đổi thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư

Theo Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn thi hành thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP gồm có các chủ thể: (1) Quốc hội; (2) Thủ tướng Chính phủ; (3) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; (4) HĐND cấp tỉnh; (5) UBND cấp tỉnh.

Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư thì đã bỏ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cụ thể: 1) Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây: Sử dụng vốn đầu tư công tư 10.000 tỷ đồng trở lên; Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; Rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên; Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác; Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định. 2) Trừ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau: Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác; Dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý, có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên; Đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công. 3) Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác: Trừ những dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý. 4) HĐND cấp tỉnh: Trừ những dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác thì HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ dự án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Như vậy, tất cả các dự án đầu tư theo phương thức PPP thuộc phạm vi địa phương đều phải thông qua HĐND cấp tỉnh. Điều này tạo điều kiện thực hiện thống nhất, minh bạch đối với các dự án PPP trên địa bàn cấp tỉnh.                                      

Quy định rõ việc lựa chọn nhà đầu tư

Đấu thầu rộng rãi: - Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà đầu tư tham dự. - Đấu thầu rộng rãi phải được áp dụng cho tất cả dự án PPP, trừ trường hợp quy định được áp dụng đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư hay lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Đàm phán cạnh tranh, được áp dụng trong các trường hợp sau đây: Có không quá 3 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự; Dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; Dự án ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Chỉ định nhà đầu tư, được áp dụng trong các trường hợp sau đây: Dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước; Dự án cần phải lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế để bảo đảm tính liên tục trong quá trình thực hiện dự án. Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt: Trường hợp dự án PPP xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại các trường hợp đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh hay chỉ định nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư. 

Bổ sung cơ chế chia sẻ phần tăng giảm doanh thu

Điều 82 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đã quy định vấn đề này như sau: - Khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP: Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính. Việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP theo quy định tại Điều 50, 51 và 65 của Luật này và được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần tăng doanh thu. - Khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP: Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện: Dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BOO; Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu; Đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP theo quy định tại Điều 50, 51 và 65 của Luật này nhưng chưa bảo đảm mức doanh thu tối thiểu là 75%; Đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với nhiều nội dung mới sẽ tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy việc đầu tư theo phương thức PPP hướng tới thực hiện giải quyết những vấn đề xã hội bức thiết nhất đang đặt ra. Do đó, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân cần phải nắm bắt những quy định này để đảm bảo đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp.

xuannguyen

Nguồn: Tạp chí GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)