Cơ sở pháp lý về an ninh - an toàn hàng hải trên biển Đông

Thứ ba, 13/04/2021 12:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
An ninh - an toàn hàng hải (ANTH) là vấn đề đang được công chúng quan tâm, có tác động lớn tới quốc gia ven biển. Các hiểm họa đe dọa tới an toàn - an ninh trên biển Đông đang gia tăng cùng với sự gia tăng các hoạt động trên biển như vận tải biển, đánh bắt cá và khai thác dầu khí. An toàn và an ninh có mối quan hệ chặt chẽ giữa các chế định pháp luật quốc tế, khu vực và quốc gia.
Đây là nội dung chính của nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả Ths. Nguyễn Bình Khương, TS. Nguyễn Mạnh Cường, PGS.TS Nguyễn Kim Phương và TS. Phan Văn Hưng.

Ảnh minh họa

Theo Nhóm tác giả, biển Đông là một trong những vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, nơi có tuyến vận tải đường biển quan trọng của thế giới đi qua. Vận tải biển đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia ven bờ biển Đông và khu vực châu Á Thái Bình Dương, mỗi ngày có hơn 200 tàu cỡ lớn đi qua, hơn 1/3 lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua, container cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Khu vực Đông Nam Á trở thành một khu vực quan trọng về chính trị, an ninh và kinh tế. Biển Đông không ngoại trừ khỏi sự phát triển và xu hướng của an ninh toàn cầu. Sự xuất hiện các rào cản đến tự do hàng hải ở biển Đông gây nên các vấn đề đáng báo động trong việc duy trì và đảm bảo ANTH, biển Đông đã bị ô nhiễm nặng. Các kế hoạch về an toàn an ninh hàng hải phải tính đến ngày càng nhiều yếu tố đe dọa đến an toàn và an ninh. Từ sự kiện ngày 11/9, an ninh và an toàn trở thành khái niệm có sự liên hệ chặt chẽ không thể tách rời. Chương XI SOLAS đã được đổi tên thành: “Các biện pháp đặc biệt để tăng cường ANTH” và phần II của chương này có tên là: “Các biện pháp đặc biệt tăng cường an ninh hàng hải”.

ANTH được quản lý bởi luật pháp quốc tế, khu vực, quốc gia, các quy định và các hướng dẫn liên quan. ANTH được hiểu bao gồm bảo tồn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, duy trì hòa bình và trật tự, đảm bảo an toàn và bảo vệ tàu, hành khách, thủy thủ đoàn, hàng hóa, tài sản và môi trường. Hiện nay, ANTH tiếp tục bị đe dọa theo nhiều cách thức như khủng bố, vận chuyển vũ khí thông thường, vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn ma túy, di cư bất hợp pháp, cướp biển và cướp có vũ trang... [5,6]. Các mối de dọa đến ANTH thường có tính chất xuyên quốc gia, trong khi các công cụ, nguồn lực để kiểm soát thường bị giới hạn ở phạm vi quốc gia. Những thách thức này làm nổi bật giá trị của hợp tác quốc tế về ANTH để đảm bảo ANTH và cần thiết phải có cách tiếp cận phối hợp chặt chẽ. Vì vậy, phân tích các cơ sở pháp lý về ANTH trên biển Đông như Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC)... là việc làm cấp thiết và được trình bày trong bài báo này.

Cơ sở pháp lý về an ninh - an toàn hàng hải trên biển Đông

Hiến chương LHQ: Mục đích tối thượng của Hiến chương LHQ đó là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Việc tôn trọng và tuân thủ các tôn chỉ và mục đích của Hiến chương LHQ là yếu tố then chốt trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững..., trong đó khu vực biển Đông đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế [7]. Thực tiễn cho thấy, Cộng đồng ASEAN với khuôn khổ pháp lý là Hiến chương ASEAN, được lấy lý tưởng và cảm hứng từ Hiến chương LHQ đã trở thành một cộng đồng gắn kết, mở rộng hợp tác, khẳng định vị trí trong cấu trúc an ninh khu vực cũng như vai trò trung tâm trong việc xử lý các vấn đề của khu vực, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và quốc tế.

Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982): UNCLOS là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới, trong đó quan trọng nhất là thống nhất phương pháp xác định phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển, quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của mọi quốc gia, có biển và không có biển, phát triển hay đang phát triển, trên nhiều lĩnh vực như an ninh, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường, thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học... Công ước cũng định ra trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình.

Các Công ước quốc tế khác: Về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, gồm: Công ước LHQ về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy, hướng thần 1988; Nghị định thư chống buôn lậu người di cư bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung cho Công ước LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Các hành vi khủng bố, các hành vi sử dụng cho mục đích khủng bố, vận chuyển vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hành vi trái pháp luật khác: IMO là thành viên tham gia tích cực vào Tổ công tác chống khủng bố (CTITF) của Hội đồng Bảo an LHQ, phối hợp với Ủy ban FAL, Tổ chức Hải quan quốc tế (WCO), Văn phòng Ma túy và Tội phạm của LHQ nhằm ngăn chặn hoạt động vận chuyển trái phép ma túy bằng đường biển, phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong việc xây dựng và thông qua tài liệu nhận dạng của người đi biển, với ILO trong Bộ luật thực thi của ILO/IMO về An ninh Cảng năm 2004 nhằm bảo đảm an ninh cảng biển, điển hình như: Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển (SOLAS 1974) và ISPS Code; Công ước về ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải 1988 và Nghị định thư 2005; Công ước về trách nhiệm dân sự trong vận chuyển hạt nhân đường biển, 1971.

Bảo vệ tài nguyên và ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển: Thỏa thuận về trữ lượng cá của LHQ và tuân thủ của FAO; Công ước MARPOL 73/78, INTERVENTION 1969; LC 1972; Công ước OPRC 1990; OPRC-HNS 2000; Công ước AFS 2001; BWM 2004; Hồng Kông 2009. Các Công ước về an toàn, an ninh của IMO: COLREG 1972; FAL 1965; LL 1966; SAR 1979; SUA 1988 và các Nghị định thư năm 2005; CSC 1972; Công ước về Tổ chức Vệ tinh Hàng hải Quốc tế 1976; SFV 77/93; Thỏa thuận Cape Town năm 2012; STCW; STP 1971...

Các văn kiện quan trong khu vực: ASEAN ngày càng phát huy vai trò chủ đạo, định hướng xây dựng cấu trúc hợp tác khu vực về an ninh hàng hải, thông qua việc khởi xướng thành lập và dẫn dắt mạng lưới các tổ chức hợp tác khu vực trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng. Các diễn đàn này đã trở thành những khuôn khổ đối thoại và hợp tác hiệu quả về xây dựng lòng tin, bảo đảm hòa bình, ANTH khu vực. Minh chứng đó là Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 vào ngày 08 - 09/4/2010 theo chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn và hành động.” Trong đó, cộng đồng chính trị - an ninh (APSC) tăng cường sử dụng các công cụ hiện có của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), SEANWFZ, ARF, Hội nghị Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Quản lý thiên tai và Ứng phó với tình trạng khẩn cấp (AADMER) và các văn kiện khác nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực. Trong đó, cộng đồng chính trị - an ninh hướng tới mục tiêu lớn là duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, trong đó nhấn mạnh tăng cường an ninh và hợp tác trên biển Đông.

Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký kết ngày 04/11/2002, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnôm Pênh. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong khi tìm kiếm giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề tranh chấp ở biển Đông, các Bên có thể tìm kiếm và tiến hành các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực nhạy cảm như “An toàn và an ninh hàng hải; Bảo vệ môi trường biển”

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác ngày 06/8/2017 tại Manila, đề ra 3 mục tiêu là: “Thiết lập khuôn khổ dựa trên những nguyên tắc chứa đựng những quy phạm để hướng dẫn các bên tiến hành và thúc đẩy hợp tác hàng hải ở biển Đông; tăng cường tin cậy lẫn nhau, hợp tác và tín nhiệm, ngăn chặn sự cố, quản lý sự cố nếu xảy ra và tạo ra môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; “Bảo đảm an ninh hàng hải và an toàn, tự do hàng hải và hàng không”.

Các thỏa thuận song phương, đa phương: Việt Nam đã ký các Hiệp định hợp tác song phương, đa phương có liên quan đến ANTH như: Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên; Hiệp định Hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Ucraina năm 2002, Hiệp định Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga năm 2013. Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết và thực thi nhiều văn kiện quan trọng như: Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ; Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc 2000; Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân, giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa; Thỏa thuận về thiết lập cơ chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển; Thỏa thuận hợp tác về an toàn hạt nhân (2017). Hai quốc gia đã đạt được một số nhận thức chung về việc hợp tác cùng có lợi trong bảo vệ môi trường, cứu hộ, cứu nạn, dự báo khí tượng biển... đến hợp tác thăm dò khai thác dầu khí ở một số khu vực có chồng lấn thực sự.

Việt Nam và Philippines đã ký kết các hiệp định và thỏa thuận song phương như: Triển khai Dự án hợp tác nghiên cứu khoa học biển Việt Nam - Philippines; Thỏa thuận lập Ủy ban Hợp tác Song phương (3/1994); Hợp tác Quốc phòng (10/2010); Thỏa thuận về hợp tác ứng phó sự cố tràn dầu và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Việt Nam và Indonesia là đối tác chiến lược, đã ký kết và triển khai các thỏa thuận như Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), quy chế tuần tra, phối hợp trấn áp cướp biển, chống khủng bố, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, các thỏa thuận về hợp tác du lịch, nghề cá.

Việt Nam và Malaysia là đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện, đã ký kết và thực hiện nhiều văn kiện quan trọng như Bản ghi nhớ ngày 05/6/1992 về quy định chế độ thăm dò “vùng xác định” giữa hai nước; Thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí. Hai quốc gia nhất trí tăng cường phối hợp nhằm đảm bảo cho biển Đông trở thành khu vực an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định và vì sự thịnh vượng chung. Hải quân hai nước đã thiết lập cơ chế tuần tra chung và liên lạc đường dây nóng, tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến công tác phòng, chống khủng bố, tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia

Việt Nam và Thái Lan là đối tác chiến lược, đã ký kết và triển khai nhiều văn kiện quan trọng như Thỏa thuận hợp tác Quốc phòng Việt Nam - Thái Lan trên một số lĩnh vực như đối thoại quốc phòng, tuần tra chung trên biển, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống... nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, vì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trong khu vực. Bản ghi nhớ về hợp tác khai thác chung Vịnh Thái Lan, Bản ghi nhớ về phối hợp, sẵn sàng, ứng phó sự cố tràn dầu ở Vịnh Thái Lan.

Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên bộ và trên biển và dòng Mê Kông nối liền hai nước. Hai quốc gia đã ký kết và thực hiện nhiều văn kiện quan trọng như Hiệp ước về vùng nước lịch sử chung Việt Nam Campuchia ngày 07/7/1982; Hiệp định vận tải thủy giữa Việt Nam và Camphuchia 2012; Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về hợp tác song phương trong phòng, chống mua bán người.

Việt Nam và Singapore là đối tác chiến lược toàn diện và sâu sắc, bao trùm một loạt các hoạt động từ thương mại và đầu tư, hàng không, tài chính, giáo dục đào tạo, an ninh và quốc phòng như Hiệp định Hợp tác Quốc phòng (DCA) được thành lập theo khuôn khổ của cơ chế trao đổi tăng cường hợp tác trong giáo dục quốc phòng, tìm kiếm, đào tạo và cứu hộ cứu nạn.

Việt Nam và Brunei có quan hệ hữu nghị và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đã ký kết và thực hiện nhiều văn kiện hợp tác quan trọng như Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng trên biển; Thỏa thuận về hợp tác nông nghiệp, chế biến thủy sản, khai thác đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei; Hợp tác Dầu khí; Hợp tác giữa hải quân hai nước trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực.

Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế La-Hay: Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, liên quan đến các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh ở biển Đông, trong đó tòa khẳng định yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý [12]. Phán quyết hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan, phù hợp với luật pháp quốc tế, nó chứng tỏ công pháp quốc tế được tôn trọng, luật pháp quốc tế là tối thượng, công lý phải thuộc về lẽ phải.

Pháp luật Việt Nam về an toàn - an ninh hàng hải

Nhận thức rõ vai trò của ANTH, Việt Nam đã gia nhập, trở thành thành viên của nhiều Công ước, Điều ước quốc tế về ANTH, từ đó ban hành các văn bản pháp luật nhằm nội luật hóa và thực thi pháp luật quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc gia. Các khía cạnh về ANTH sẽ được phân tích dựa trên các văn bản pháp luật đã và đang được thực thi. 

Một là, vấn đề chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia trên biển Đông: Cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền và bảo vệ biên giới quốc gia của Việt Nam trên biển được hình thành từ rất sớm. Tuyên bố của Chính phủ, ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Nghị định của Chính phủ, ngày 29/11/1980, về trật tự qua lại của tàu thuyền nước ngoài tại vùng nội thủy của Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ, ngày 12/11/1982, về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia 2003; Đặc biệt, ngày 23/6/1994, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982. Ngày 17/6/2003, Quốc hội đã thông qua Luật Biên giới quốc gia và ngày 21/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam đưa ra cơ sở pháp lý để xác định đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng nước lịch sử phù hợp với pháp luật quốc tế, đồng thời khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam “giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với UNCLOS, pháp luật và thực tiễn quốc tế”

Hai là, Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 và Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018 là cơ sở pháp lý cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội danh cướp biển (Điều 302); khủng bố (Điều 113, 299 và 300) và Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013 Tội phạm ma túy được quy định chi tiết tại Điều 194 và 250 BLHS 2015 và Luật Phòng chống ma túy Việt Nam năm 2000. Ngày 01/9/1997, Chủ tịch Nước đã ra Quyết định số 798/QĐ-CTN về việc tham gia ba Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy, đó là: “Công ước thống nhất về các chất ma tuý năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971 và Công ước của LHQ về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1988.” Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm vận chuyển trái phép ma túy bằng đường biển.

Ba là, Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 [18], Điều 206 đã quy định về hành vi người trốn lên tàu, chi tiết tại Nghị định số 77/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại cửa khẩu cảng nhằm luật hóa các quy định của FAL 1965 về người trốn theo tàu mà Việt Nam đã phê chuẩn gia nhập Công ước vào ngày 23/01/2006. Các quy định của Bộ luật ISPS được nội luật hóa tại Điều 106 và Điều 107 của BLHHVN 2015, trong đó quy định về truyền phát thông tin an ninh hàng hải được quy định chi tiết tại Nghị định số 170/2016/NĐ-CP quy định về việc công bố, tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải và Nghị định số 142/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải. Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định về an toàn trong hoạt động hàng hải ngay từ khi thiết kế, đóng mới tàu biển cũng như các điều khi vận hành khai thác con tàu. Thiết lập tuyến hàng hải (Điều 109), bảo đảm an toàn hàng hải (Điều 108), các hoạt động thanh kiểm tra... cũng được quy định cụ thể. Nghị định số 58/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động hàng hải, trong đó các quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường cũng được áp dụng đối với cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển. Nghị định số 16/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Như vậy, Nhóm nghiên cứu đã phân tích tổng quan về các cơ sở pháp lý liên quan đến vấn đề ANTH trên biển Đông như Hiến chương LHQ, UNCLOS, các Công ước quốc tế, các văn kiện trong khu vực, các thỏa thuận song phương - đa phương, phán quyết của tòa trọng tài quốc tế La Hay và thực trạng pháp luật Việt Nam. Cơ sở pháp lý về ANTH có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng chính sách, chiến lược, cơ chế kiểm soát ANTH trên biển Đông. Để đáp ứng các yêu cầu thách thức mới về ANTH đòi hỏi phải phát triển các mô hình kiểm soát hiệu quả.

xuannguyen

Nguồn: Tap chi GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)