Bài viết nêu khái quát tình hình; đánh giá thực trạng bảo đảm an ninh cảng biển tại Việt Nam; qua đó rút ra những kết quả, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh cảng biển trong tình hình hiện nay. Tác giả Dương Đại Thắng, Phó trưởng phòng An toàn - an ninh hàng hải, Cục Hàng hải VN.
Các đối tượng khủng bố giữ con tin, cố thủ trên tàu cao tốc, ra yêu sách với cơ quan chức năng (tình huống giả định trong buổi diễn tập sáng 2/8/2019 tại cảng Chu Lai - Trường Hải). Ảnh: T.C
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2013 đến năm 2022, trên thế giới xảy ra trên 8.600 vụ khủng bố, làm hơn 74.000 người chết, 90.500 người bị thương và nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy, uy tín của các quốc gia bị suy giảm.
Trên lĩnh vực hàng hải,từ năm 2014 đến năm 2022 đã xảy ra 1.862 vụ cướp biển, cướp có vũ trang trên biển và bến cảng, trong đó có hàng chục vụ tấn công có tính chất khủng bố.
Trước tình hình trên, Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác, sử dụng đồng bộ các biện pháp thích hợp để đấu tranh chống khủng bố, cướp biển và cướp có vũ trang.
Theo đó, tháng 12/2002, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) tổ chức Hội nghị ngoại giao tại London, Vương quốc Anh ngày 02/12/2022 với sự tham dự của các quốc gia thành viên để thông qua Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 74), bổ sung các biện pháp đặc biệt nhằm nâng cao an toàn và an ninh hàng hải và đảm bảo an toàn trên tàu và trên bờ trong Bộ luật An ninh tàu và bến cảng (Bộ luật ISPS); trong đó có những quy định mới về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khủng bố trên lĩnh vực hàng hải. Việc sửa đổi, bổ sung Công ước SOLAS 74 và Bộ luật ISPS là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để các quốc gia thành viên IMO nói chung và Việt Nam nói riêng hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường hợp tác và sử dụng hiệu quả hơn các công cụ, biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh an toàn và phòng, chống khủng bố trên lĩnh vực hàng hải, trong đó có công tác bảo đảm an ninh cảng biển.
Một cảnh hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng trong tình huống chống khủng bố tại cuộc diễn tập ngày 22/9/2021 tại cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) với chủ đề phòng chống khủng bố trong lĩnh vực an ninh cảng biển.
Ở Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, tình hình an ninh, chính trị cơ bản ổn định; chưa xảy ra các vụ tấn công khủng bố quốc tế ở các cảng biển. Các tổ chức quốc tế (IMO, Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương-APEC), Cơ quan phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ đánh giá cao kết quả công tác đảm bảo an ninh cảng biển của Việt Nam; các cảng biển Việt Nam được coi là điểm đến an toàn của các tàu trên thế giới.
Có thể nói, tình hình an ninh, chính trị ổn định ở các cảng biển là điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động kinh tế hàng hải phát triển; các hoạt động quản lý, vận hành, khai thác cảng biển được thông suốt. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi cơ bản nêu trên, các nguy cơ, mối đe dọa an ninh, an toàn hàng hải chưa được loại trừ, trong đó có nhiều vụ, việc đe dọa an ninh, an toàn hàng hải nói chung và an ninh cảng biển nói riêng.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, từ năm 2014 đến năm 2021, đã xảy ra 60 vụ việc gây mất an ninh, an toàn hàng hải, trong đó có 56 vụ trộm cắp nhằm vào tàu thuyền nước ngoài đang neo đậu ở các khu vực Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và 04 vụ bị cướp biển, cướp có vũ trang nhằm vào tàu biển Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Điển hình là: vụ tàu Sunrise 689 đang hành trình từ đảo Hòn Khoai về phía Tây Nam đã bị các đối tượng cướp biển dùng súng, dao tấn công, phá hủy hệ thống thông tin liên lạc, làm bị thương 2 thuyền viên và cướp tài sản của tàu vào ngày 03/10/2014; vụ tàu VP Aspalt 2 đang trên hành trình trên hải phận quốc tế tiếp giáp Singapore, Malaysia và Indonesia bị 7 tên cướp có súng tấn công để cướp tài sản, làm bị thương 1 thuyền viên và sau đó thuyền viên này bị chết do vết thương quá nặng; vụ tàu Royal 16 đang trên hành trình vùng biển phía Nam Philippines đã bị nhóm 10 tên khủng bố Abu Sayyaf tấn công, làm bị thương 2 thuyền viên và bắt giữ 6 thuyền viên làm con tin vào ngày 11/11/2016 và vụ tàu Giang Hải đang trên hành trình từ Indonesia đến Philippines đã bị 5 tên cướp biển là thành viên nhóm khủng bố bố Abu Sayyaf sử dụng súng tấn công làm 1 thuyền viên bị chết, bắt giữ 7 thuyền viên làm con tin và phá hủy hệ thống thông tin liên lạc của tàu vào ngày 20/02/2017.
Cảnh sát biển, bộ đội biên phòng tham gia truy đuổi,
tiêu diệt khủng bố ở khu vực cảng (tình huống giả định
trong buổi diễn tập sáng 2/8/2019 tại cảng Chu Lai - Trường Hải).
Tình hình trên cho thấy, các nguy cơ mất an ninh, an toàn, trong đó có nguy cơ khủng bố trên lĩnh vực hàng hải Việt Nam còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường, đòi hỏi lực lượng chức năng phải tăng cường công tác bảo đảm an ninh hàng hải nói chung và bảo đảm an ninh cảng biển nói riêng.
Trước tình hình trên, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải nói chung và an ninh cảng biển nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm. Việt Nam cũng luôn thể hiện quan điểm, hành động tích cực trong thực hiệ đầy đủ cam kết, quy định của IMO; từng bước xây dựng, hoàn thiện pháp luật và triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp đảm bảo an ninh hàng hải, không để xảy ra các hoạt động khủng bố, phá hoại nhằm vào cảng biển, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ hàng hải và nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có những đóng góp quan trọng của Cục Hàng hải Việt Nam, các cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp, đơn vị quản lý, vận hành, khai thác cảng biển, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Nội dung đầy đủ bài khoa học xem tại đây.