Góc nhìn chuyên gia: Việc tăng cường ứng dụng KHCN trong dự án luật TTATGT đường bộ

Chủ nhật, 12/11/2023 09:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một dự án Luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV này.
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết 'Việc tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ' của TS.Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Trong những dự án luật được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thì dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong số những dự luật nhận được sự quan tâm sâu sắc của cử tri và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những diễn biến phức tạp với những vụ tai nạn thảm khốc diễn ra trong thời gian gần đây. Để giải quyết tình trạng này, một trong những giải pháp quan trọng được Ban soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề ra là cần “đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để nâng cao hiệu quả, tăng cường tính công khai, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân”. Đây là định hướng phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ cũng như yêu cầu của thực tiễn.

Với định hướng đó, dự thảo Luật đã được bổ sung nhiều quy định có liên quan đến việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cụ thể như:

Thứ nhất, các quy định về phương tiện giao thông

Lần đầu tiên, dự thảo Luật đã đưa ra khái niệm về phương tiện giao thông thông minh. Theo đó, khoản 15 Điều 3 của dự thảo đã đưa ra định nghĩa về phương tiện giao thông thông minh là “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phép tự động hóa nhiệm vụ lái xe và tự xử lý các tình huống, đồng thời xác định lộ trình khi tham gia giao thông”. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã có những quy định điều chỉnh về việc quản lý phương tiện giao thông thông minh như cấp phép hoạt động (khoản 2 Điều 33); chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (điểm c khoản 1 Điều 49); cấp giấy phép lái xe đối với phương tiện giao thông thông minh (Điều 50, Điều 51)... Những quy định này là cơ sở quan trọng để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho việc vận hành và quản lý các phương tiện giao thông thông minh ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, liên quan đến việc quản lý về phương tiện giao thông, dự thảo Luật cũng đề ra những quy định về việc lắp đặt các trang thiết bị giám sát. Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 33 của dự thảo Luật quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng điều kiện có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định. Như vậy, so với trước đây, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi các phương tiện giao thông phải được lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình để bảo đảm có các dữ liệu phục vụ cho công tác điều hành, quản lý.

Thứ hai, quy định về hệ thống thiết bị chỉ huy giao thông thông minh

Tại khoản 38 Điều 3, dự thảo Luật đã định nghĩa thiết bị chỉ huy giao thông thông minh là thiết bị kỹ thuật công nghệ có khả năng phát hiện, phân tích, đánh giá các tình huống giao thông đường bộ, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và độc lập ra quyết định chỉ huy, điều khiển giải quyết các tình huống để bảo đảm giao thông trật tự, an toàn.

Đây là cơ sở để dự thảo Luật đề ra những quy định cụ thể về việc triển khai và sử dụng thiết bị chỉ huy giao thông thông minh, trong đó đáng chú ý là quy định về việc sử dụng thiết bị chỉ huy giao thông thông minh trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính

Trên cơ sở những kết quả tích cực của việc chuyển đổi số trong quản lý hành chính trong thời gian vừa qua, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung những quy định về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính của người dân. Trong đó, điểm mới đáng chú ý trong dự án Luật là việc biển số xe sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe là cá nhân, tổ chức; trường hợp tổ chức chưa có mã định danh điện tử thì quản lý theo mã số thuế hoặc quyết định thành lập (khoản 7 Điều 34). Quy định này thay đổi về cơ bản cách thức cấp và quản lý biển số xe, tạo điều kiện để triển khai theo dõi, quản lý các phương tiện giao thông đường bộ gắn với trách nhiệm của chủ xe cơ giới.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng ghi nhận những kết quả của việc tích hợp các giấy tờ cá nhân như bằng lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, giấy bảo hiểm… vào tài khoản định danh điện tử. Theo đó, dự thảo Luật quy định người điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ sẽ không phải mang theo các loại giấy tờ này khi đã thực hiện việc tích hợp vào tài khoản định danh điện tử; các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thông tin phương tiện và người lái qua ứng dụng này (Điều 61). Điều này sẽ giúp người dân thuận tiện hơn trong quá trình điều khiển, sử dụng các phương tiện giao thông.

Thứ tư, quy định về cơ sở dữ liệu trật tự, an toàn giao thông, hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều điều khoản liên quan đến việc xây dựng, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu trật tự, an toàn giao thông và hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Cơ sở dữ liệu trật tự, an toàn giao thông bao gồm nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau, có sự kết nối với nhau để phục vụ mục tiêu quản lý, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường (Điều 7). Đặc biệt, dự án Luật đã chính thức ghi nhận việc phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ dữ liệu thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (khoản 2 Điều 62).

Với những quy định nêu trên, có thể nhận thấy dự án Luật đã được bổ sung nhiều quy định có tính cơ sở, nền tảng định hình khuôn khổ pháp lý cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, có thể nhận thấy các quy định này cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện thêm, trong đó có một số điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, về việc bảo đảm quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức

Như đã đề cập ở trên, cơ sở dữ liệu trật tự, an toàn giao thông đường bộ bao gồm khối lượng dữ liệu khá lớn, trong đó có những dữ liệu có tính nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến cá nhân như dữ liệu về xe cơ giới, dữ liệu về sức khỏe của người lái xe; dữ liệu bảo hiểm của chủ xe cơ giới; dữ liệu về hành trình của phương tiện…

Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu thu thập được từ hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, án toàn giao thông cũng liên quan trực tiếp đến các cá nhân tham gia giao thông. Ngoài ra, dự án Luật cũng đặt ra yêu cầu các phương tiện xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây cũng là nguồn dữ liệu liên quan trực tiếp đến dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, hiện nay dự thảo Luật mới chỉ quy định nguyên tắc dữ liệu thu thập được từ Hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải được quản lý theo quy định của pháp luật; bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức; sử dụng để xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các vi phạm pháp luật khác; phục vụ công tác quản lý nhà nước (Điều 64). Quy định này còn tương đối khái quát, chưa bảo đảm yêu cầu, cụ thể, chi tiết trong việc bảo đảm dữ liệu cá nhân.

Chỉ nên quy định khuyến khích việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Chỉ nên quy định khuyến khích việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
trên các phương tiện tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, so với quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì việc yêu cầu các xe cơ giới trong đó có xe cá nhân phải có thiết bị giám sát hành trình là điều kiện mới được bổ sung về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới và xe máy chuyên dùng. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến quyền bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Hiến pháp: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.”. Mặt khác, việc yêu cầu tất cả các xe cá nhân đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ dẫn tới yêu cầu một nguồn lực rất lớn trong xã hội do hiện nay phần lớn các xe ô tô cá nhân đều chưa lắp đặt sẵn các trang thiết bị này.

Do đó, đề nghị cần cân nhắc không nên quy định đây là điều kiện bắt buộc đối với xe cá nhân tham gia giao thông đường bộ mà chỉ nên quy định khuyến khích việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện tham gia giao thông này nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân khi tham gia giao thông đường bộ.

Thứ hai, bảo đảm sự thống nhất trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu và hệ thống hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có nhiều điều khoản quy định về việc xây dựng, vận hành và thu thập các dữ liệu về trật tư, an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, dự án Luật Đường bộ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này cũng có nhiều điều khoản quy định về cơ sở dữ liệu, hệ thống giao thông thông minh. Theo các quy định hiện tại của 02 dự án Luật thì nguồn dữ liệu được thu thập đã có sự phân biệt giữa các hệ thống, theo đó Hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thu thập tín hiệu, dữ liệu, âm thanh, hình ảnh về tình trạng công trình giao thông, hành trình của phương tiện và các dữ liệu liên quan khác được xây dựng, lắp đặt trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để giám sát tình hình an ninh, trật tự, an toàn giao thông; phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác; còn Hệ thống giao thông thông minh là nơi thu thập, lưu giữ, phân tích và xử lý dữ liệu để kết nối, chia sẻ cho các cơ quan có liên quan phục vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đường bộ và chỉ huy giao thông.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy đối tượng được theo dõi để thu thập dữ liệu giữa các hệ thống này sẽ cùng tập trung vào cùng các đối tượng như công trình giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông. Do vậy có thể sẽ dẫn đến việc phương pháp thu thập cũng như cơ sở vật chất để thu thập dữ liệu là gần tương tự nhau. Chính vì vậy, Ban soạn thảo của hai dự án Luật cần có sự trao đổi, đánh giá, làm rõ phạm vi, nội dung và cách thức xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin theo dõi, thu thập dữ liệu được quy định ở hai luật, bảo đảm sự thống nhất, không chồng chéo, tiết kiệm, chống lãng phí.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.Hồ Chí Minh.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.Hồ Chí Minh.

Thứ ba, cần cân nhắc thời điểm và phương pháp điều chỉnh đối với phương tiện giao thông thông minh

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về phương tiện giao thông thông minh là một trong những điểm mới đáng chú ý. Tuy nhiên, những nội dung có liên quan về việc quản lý phương tiện giao thông thông minh được quy định trong dự thảo Luật mới ở mức hạn chế. Theo đó, khoản 2 Điều 33 dự án Luật quy định phương tiện giao thông thông minh sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, song những nội dung cụ thể của việc cấp phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh được giao cho Chính phủ quy định.

Thực tế, phương tiện giao thông thông minh theo định nghĩa như dự thảo Luật là phương tiện cơ giới đường bộ “cho phép tự động hóa nhiệm vụ lái xe và tự xử lý các tình huống, đồng thời xác định lộ trình khi tham gia giao thông” là một phương tiện tham gia giao thông rất mới với rất nhiều vấn đề pháp lý phát sinh. Chẳng hạn như việc xác định trách nhiệm khi xảy ra tai nạn giao thông sẽ thuộc về chủ xe, người ngồi trên xe hay người đã lập trình điều khiển xe; quá trình lập trình điều khiển xe tuân thủ pháp luật của nước xuất khẩu xe hay của nước mà xe được đưa vào vận hành v.v…

Trên thực tế, qua tìm hiểu cũng cho thấy phần lớn các nước trên thế giới cũng đang rất thận trọng trong việc cho phép vận hành phương tiện giao thông thông minh cũng như đưa ra các quy định để điều chỉnh về vấn đề này. Phần lớn các nước vẫn chỉ dừng lại ở việc thí điểm vận hành các phương tiện giao thông thông minh ở một khu vực nhất định, chẳng hạn như ở Trung Quốc là khu vực Trùng Khánh, ở Hoa Kỳ là ở California. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thời điểm đưa việc quản lý các phương tiện xe tự lái vào điều chỉnh trong dự thảo Luật Trật tư, an toàn giao thông đường bộ./.

xuannguyen

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)