Một nhóm chuyên gia về kỹ thuật nano tại LAAS1 đã phát triển một hệ thống có thể giám sát sự hao mòn và hỏng hóc của cánh quạt máy bay ngay trong khi hoạt động ở thời gian thực. Hệ thống này còn được gọi là hệ thống giám sát tình trạng hoạt động của máy móc (SHM – Structural Health Monitoring System). Nó hoạt động dựa trên các vi cảm biến ghi lại tình trạng của máy móc khi đang được sử dụng.
Đối với các hãng sản xuất máy bay đang gia tăng việc sử dụng các vật liệu hỗn hợp để chế tạo máy bay (từ cửa ra vào đến các bộ phận cấu thành thân máy bay) thì nhu cầu sử dụng về công nghệ SHM mới này là rất lớn. “Bởi các vật liệu hỗn hợp dùng để chế tạo máy bay cho thấy nhiều lợi thế về mặt tải trọng, nhưng lại bất lợi trong việc phát hiện những hư hại của chúng. Vì vậy, một loạt các thử nghiệm tốn kém phải được tiến hành định kì và để đảm bảo an toàn có một số bộ phận nhất định đã phải làm quá khổ trong giai đoạn thiết kế”, Jean- Yves Fourniols, người đứng đầu dự án tại LAAS giải thích.
Để khắc phục vấn đề này, Fourmiols cùng với các cộng tác viên Christophe Escriba, Thierry Camps, Jean-Louis Boizard, và nhà sản xuất cánh quạt máy bay Ratier-Figeac2 đã nghiên cứu hệ thống dựa trên các vi cảm biến thông minh (các hệ thống vi điện cơ, còn gọi là MEMS). Các vi cảm biến này có thể đo được trong thời gian thực các tốc độ, tác động đột ngột và các dao động mà mỗi lá cánh quạt phải chịu trong chuyến bay. Những dữ liệu thu được từ các gia tốc kế được bố trí theo tổ hợp từ một đến ba chiếc trên mỗi lá cánh quạt sẽ được truyền đến một máy vi tính có kích thước vài centimet khối, được lắp đặt trong trục của cánh quạt. Và bằng cách sử dụng một thiết bị nhận RFID đơn giản, người ta có thể giám sát máy vi tính này từ mặt đất.
Hệ thống này đã được thử nghiệm thành công trên máy bay không người lái và sẽ được lực lượng quân đội Pháp thí nghiệm trên máy bay vận tải quân sự Transall. Hệ thống này sẽ là một lựa chọn khả thi cho các máy bay hiện nay mà không cần thiết phải thay đổi kết cấu máy bay.
Theo CNRS