Vào buổi đêm trên một con đường tối tăm ở làng quê: những khúc quanh trên đường sẽ làm hạn chế tầm quan sát phía trước và sương xuống càng làm cho mọi việc tồi tệ hơn. Người lái xe dù dạn dày kinh nghiệm vẫn không thể trông thấy con hươu trên đường ngay phía trước cho tới khi nó ở quá gần. Người lái xe sẽ thực hiện một cú phanh gấp không đâm vào con vật. Ở những trường hợp như vậy, những chiếc camera hồng ngoại có thể tạo ra một mức an toàn tốt hơn. Sử dụng chiếc camera này, có thể thấy các vật thể có thân nhiệt phát sáng trong vùng hồng ngoại ở bước sóng khoảng 10 micromet.
Các bộ dò ở chiếc camera sẽ ghi lại bức xạ nhiệt này và định vị nguồn phát nhiệt. Việc này có thể cho phép những người lái xe nhìn thấy người hoặc động vật ở phía trước trước khi những đối tượng này đi vào tầm nhìn thông qua các đèn pha dốc xuống. Những người sử dụng đường khác sẽ không bị bất tiện bởi bức xạ hồng ngoại vô hình.
Một vấn đề là những chiếc camera hồng ngoại với phạm vi bước sóng vào khoảng 5 micromet phải được làm mát, bộ cảm ứng phải được thường xuyên làm lạnh xuống âm 193 độ C. Ngày nay, những bộ tạo ảnh không cần làm lạnh đối với phạm vi hồng ngoại bước sóng dài đã xuất hiện, nhưng chúng chủ yếu được sử dụng cho quân đội và không phổ biến trên thị trường. Tình trạng này giờ đây đã được cải thiện. Các nhà khoa học của Viện Vi Mạch điện tử và Các hệ IMS Fraunhofer ở Duisburg, Đức, đã chế tạo thành công một bộ cảm ứng hình đối với phạm vi hồng ngoại bước sóng dài có thể hoạt động ở nhiệt độ phòng.
Ở trung tâm của bộ cảm ứng IRFPA (Infrared Focal Plane Array) là một bộ vi nhiệt kế, một thiết bị dò cảm ứng nhiệt hấp thụ tia hồng ngoại bước sóng dài. Để tạo ra một hình ảnh hai chiều, vài chiếc vi nhiệt kế sẽ được kết hợp lại thành một dãy. Nếu chiếc vi nhiệt kế hấp thụ ánh sáng từ một nguồn nhiệt, nhiệt độ bên trong của nó tăng và điện trở của nó thay đổi. Sau đó một con chip đọc sẽ chuyển hóa giá trị điện trở này trực tiếp thành một tín hiệu số. Trước đây, việc này không thể thực hiện được mà không có một bước trung gian bổ sung thêm, thông thường là một xung điện được đầu tiên chuyển hóa thành một tín hiệu analog và sau đó được số hóa bằng cách sử dụng một bộ chuyển analog/digital. Nhóm nghiên cứu cho biết, họ sử dụng một dạng chuyển hóa đặc biệt, bộ chuyển sigma-delta ở bộ tạo ảnh. Việc này cho phép họ tạo ra tín hiệu số một cách trực tiếp.
Do quy trình làm lạnh phức tạp và tốn kém không cần thiết nữa, nên những lĩnh vực ứng dụng xa hơn sẽ trở nên khả thi ngoài lĩnh vực sản xuất ô tô. Nhóm nghiên cứu cho biết, các thiết bị di động sẽ có lợi từ sự phát triển mới này. Những thử nghiệm ban đầu trong phòng thí nghiệm với bộ phận cảm ứng mới này đã thành công. Nhóm nghiên cứu đã có thể tạo ra một số hình ảnh hồng ngoại.
Theo Science Daily