Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Đường sắt Nhật Bản (RTRI) vừa thông báo rằng họ đã phát triển thành công một loại nam châm siêu dẫn mới ở nhiệt độ cao dành cho tàu chạy trên đệm từ trường. Với kích thước nhỏ, loại nam châm này có thể hoạt động trong 9 giờ mà không cần hệ thống làm nguội.
Từ năm 1962, Nhật Bản đã phát triển tàu chạy trên đệm từ trường (gọi là MAGLEV - MAGnetic LEVitation) và tốc độ được hy vọng có thể đạt 500 km/h. Trong hệ thống đường sắt, tàu chạy nhanh nhất thế giới có thể đạt 581km/h. Mặc dù báo cáo năm 2005 của Uỷ ban Đánh giá về các công nghệ cần thiết cho triển khai tàu chạy trên đệm từ trường kết luận rằng công nghệ hiện nay đã sẵn sàng, nhưng cũng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để giảm giá thành xây dựng đang rất cao, nhằm mở thêm tuyến Tokyo và Nagoya vào năm 2025.
Tàu MAGLEV là tàu di chuyển trên mặt đất, sử dụng lực đẩy của từ trường, do Công ty đường sắt JR Central chế tạo, nhằm chuyên chở hành khách giữa Tokyo và các vùng ở miền trung Nhật Bản. Nó sẽ là tàu chạy nhanh nhất thế giới với vận tốc 500 km/giờ, trên quãng đường 290km. JR Central cho biết họ đã thử nghiệm con tàu Maglev với tốc độ 581 km/giờ vào năm 2003 ở vùng Yamanashi, miền trung Nhật Bản và hi vọng con tàu nhanh nhất thế giới này sẽ bắt đầu phục vụ hành khách vào tháng 3-2026.
Các nhà nghiên cứu cho biết loại Nam châm mới dùng cho MAGLEV của Nhật Bản có các bobin bằng yttrium. Tính siêu dẫn của chúng được duy trì ngay cả ở nhiệt độ lên tới 50 K trong vòng 9 giờ, các bobin tốt nhất hiện nay do RTRI và Toshiba chế tạo cũng chỉ hoạt động ở ngưỡng dưới 20 K và cần có hệ thống làm nguội. Với loại nam châm mới, người ta sẽ không phải trang bị thêm cho tàu hệ thống làm nguội, điều này giúp giảm trọng lượng tàu và chi phí.
Theo www.BanYtuong.net