|
Hải cảng Auckland
|
Các hãng hàng hải khắp thế giới đang nỗ lực đưa vào khai thác tàu sức chở lớn hơn để giảm chi phí và tăng doanh lợi. Cảng Auckland (POAL), cảng quốc tế container lớn nhất của New Zealand gấp rút phát triển cơ sở hạ tầng để sớm phục vụ tàu container cỡ rất lớn. đặc biệt là khơi sâu lòng lạch để thông thuyền trong mọi điều kiện thủy triều.
Khối lượng sa bồi sẽ rất lớn, cho nên hãng tư vấn quốc tế dịch vụ Beca đề xuất với POAL một sáng kiến tốt là tìm cách gia cố để tạo mặt bằng hiện đang rất cần để mở rộng khu đầu mối contamer của cảng là khu Axis Fergusson. Khối lượng bùn cát vét từ lòng lạch Rangitoto sẽ đủ để mở rộng khu container, không tốn công chở ra khơi đổ đi, không ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến sinh thái, lại không cần đến đá mỏ đang là vật liệu xây dựng khan hiếm ở vùng Auckland.
Trong giai đoạn đầu, phải nạo vét 550.000 m3 trầm tích biển để lấp đầy 5ha mặt bằng khu container (rộng ngang 10 lần sân bóng đá) kể cả diện tích làm một số công trình phòng hộ và công cộng. Dự kiến trong năm 2006 sẽ hoàn thành việc này, sau đó thi công tiếp giai đoạn hai với 5ha mặt bằng, nhưng tiến độ sẽ kéo dài hơn vì chỉ huy động tàu hút của cảng vụ sở tại.
Nét mới và độc đáo ở đây là xử lý thích hợp loại trầm tích biển nạo vét lên. Từ trước đến nay, đất sa bồi đều phải chở ra biển xa để đổ, còn vật liệu tạo bãi là đá mỏ, cát, phế thải xây dựng, nhưng vẫn cần để phòng lún sụt qua một thời gian dài khai thác.
Hãng Beca khuyến nghị dùng xi măng để xử lý sa bồi rồi mới đắp nền. Đó là một vật liệu mới có thể mệnh danh là "bê tông bùn" (Muderete) hay "đá mềm" (Soft rock). Bình quân mỗi ngày chừng 2000 m3 đá mềm được xử lý và lấp để làm nền khu container. Tính đến cuối năm 2005 đã lấp được 400.000 m3 và giữa năm 2006 sẽ hoàn thành nền để tiếp tục thi công lớp mặt và xây lắp thượng tầng.
Với "đá mềm" này, lớp nền khá chặt chẽ và triệt tiêu được các tạp chất độc hại, cũng biến bùn lỏng nhiễm độc thành vật liệu xây dựng. Nói chung. với ưu điểm là thuận tiện và giá thành rẻ, nó có thể sử dụng vào một số công trình tương tự như bờ bao chắn sóng bãi biển với ngoại hình gần giống như đá thiên nhiên. Nếu thực hiện đúng tỷ lệ thành phần trộn giữa sa bồi với xi măng, có thể thi công hầu như trong mọi thời tiết, thậm chí cả dưới nước nữa. Nhờ ít lún. nên "đá mềm" rất thích hợp với bãi container xếp nhiều tầng chịu áp suất lớn trong thời gian dài.
Bản tin KHCN Trung tâm TTKHCN GTVT
|