Volvo đã chính thức công bố lộ trình thiết kế những chiếc ô tô không thể xảy ra va chạm trong tương lai. Mục tiêu trước mắt của hãng xe Thụy Điển là đến năm 2020 sẽ không có ai bị thiệt mạng hay bị thương khi sử dụng một chiếc Volvo.
Volvo quyết tâm trở thành người tiên phong bằng cách triển khai tầm nhìn về một tương lai không va chạm như một chiến lược định hướng tới tương lai. Những nghiên cứu không ngừng nghỉ cùng sự cải thiện độ an toàn không gian phía trong và xung quanh những chiếc xe sẽ là điều cốt yếu để đạt tới một môi trường lái xe an toàn hơn và một tương lai không có va chạm. Trong kế hoạch này, Volvo mời các công ty uy tín cùng các nhà chức trách và cả ngành công nghiệp ô tô cùng tham gia.
Nhóm nghiên cứu về tai nạn giao thông của công ty Volvo đã tiến hành điều tra tỉ mỉ các vụ tai nạn từ năm 1970. Hiện nay, cơ sở dữ liệu về tai nạn của họ đã cập nhật được thông tin của hơn 36.000 trường hợp. Với việc sử dụng kiến thức có được từ các tình huống có thật vào quá trình nghiên cứu, Volvo đã thiết kế được những chiếc ô tô đạt độ an toàn rất cao khi va chạm. Hãng xe coi đây là cơ sở kiến thức vô cùng quan trọng để có thể lựa chọn giải pháp công nghệ giúp hoàn toàn tránh hoặc giảm nhẹ tai nạn. Để có thể tiến xa hơn, nhóm nghiên cứu không chỉ quan sát kỹ các xe tai nạn mà còn mở rộng điều tra bối cảnh xảy ra tai nạn, bao gồm cả hành động của người lái nhằm tìm ra nguyên nhân phát sinh các tình huống giao thông nguy hiểm. Với công nghệ ngày một tiên tiến, Volvo hy vọng thiết kế được những chiếc ô tô giúp người lái tránh được các tai nạn và đầy hy vọng cũng sẽ tránh được cả các tình huống nguy hiểm. Các chuyên gia đã nghiên cứu kỹ toàn bộ hành trình của lái xe, từ những chuyến đi hàng ngày cho đến sau khi xảy ra vụ va chạm. Từ đó, họ phân chia chức năng an toàn của chiếc xe ra làm 5 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Lái bình thường - người lái được thông tin về tình trạng của chiếc xe và độ tập trung của bản thân.
Giai đoạn 2: Xung đột - người lái rơi vào một tình huống nguy hiểm tiềm tàng nhưng vẫn có khả năng đối phó với nó.
Giai đoạn 3: Tránh thoát - người lái ít có khả năng đối phó được với tình huống.
Giai đoạn 4: Giảm thiểu thiệt hại - người lái và chiếc xe không còn khả năng tránh được va chạm, chuẩn bị va chạm và giảm thiểu lực va chạm.
Giai đoạn 5: Sau va chạm - người lái được trợ giúp và cứu nạn.
Volvo tuân theo nguyên tắc người lái phải luôn được kiểm soát. Sự thông minh của chiếc ô tô phải hỗ trợ cho người điều khiển, chẳng hạn như phát hiện trạng thái ngủ gật hay mất tập trung. Nó cũng có thể cảnh báo lái xe khi khoảng cách với các xe khác quá gần. Không phải chờ đến khi lái xe không phản xạ kịp và một vụ va chạm sắp xảy ra hoặc không tránh khỏi mà chiếc xe mới chiếm quyền điều khiển, ví dụ như cơ chế tự phanh. Tốc độ va chạm càng thấp thì năng lượng va chạm sẽ càng nhỏ, qua đó giúp tăng cường hiệu suất vận hành của các hệ thống bảo vệ của xe như đai an toàn, túi khí và các vùng chịu lực. Trong tương lai gần, Volvo có kế hoạch giới thiệu các công nghệ an toàn mới giúp chiếc xe có thể phát hiện người đi bộ phía trước và tự phanh, thậm chí có thể tự lái xe hướng tránh xa các phương tiện khác đang đi tới.
Với những tham vọng mới này, có thể nói hãng xe Thụy Điển không chỉ đang thử thách năng lực của chính bản thân mình mà còn của cả ngành công nghiệp ô tô và các chính phủ bởi một mình Volvo không thể tự xây dựng được một tương lai không có va chạm. Hệ thống giao thông tương lai của Volvo cần được xây dựng bởi 3 thành phần: các nhà sản xuất xe, người tham gia giao thông và người quản lý cơ sở hạ tầng. Một sự hợp tác sáng tạo giữa các nhà chức trách với các thành phần khác của ngành công nghiệp ô tô cũng rất quan trọng trong việc đề ra các giải pháp có tầm ảnh hưởng lớn.
H.A