Hiểu lắm nỗi niềm cầu Hàm Luông từ ngày manh nha cho đến khi khánh thành, vậy nên mỗi lần đi qua cầu, cảm xúc của ông Huỳnh Văn Be - nguyên Bí thư Tỉnh ủy lại dâng trào. Trước thông tin công trình cầu Hàm Luông được trao tặng giải thưởng cấp Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN), ông cho rằng: Đó là tin vui, là món quà trả ơn cho những người đã từng giúp Bến Tre.
Dòng người xuôi ngược qua Cầu Hàm Luông.
Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) là đơn vị quản lý dự án từ khâu lập dự án đầu tư, triển khai thi công xây dựng đến khi hoàn thành. Ông Nguyễn Thái Hà - một trong những tác giả tham gia xây dựng công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đối với cầu Hàm Luông cho biết: Công trình cầu Hàm Luông có 4 điểm nổi bật so với các công trình cầu khác. Đó là: với khẩu độ nhịp chính L=150m, đã đạt kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam về khẩu độ dầm hộp thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng; lần đầu tiên ứng dụng công nghệ cáp dự ứng lực ngoài với 5 tầng bảo vệ; công nghệ thi công bê-tông khối lớn; áp dụng vữa bơm với áp lực cao: bơm vữa áp lực 5Mpa xuống mũi cọc (độ sâu -85m) làm tăng đáng kể khả năng chịu lực cho cọc khoan nhồi đường kính D=2.0m.
Ứng dụng nhiều công nghệ mới
Nhóm tác giả cho rằng, cầu Hàm Luông có địa hình khu vực tương đối bằng phẳng, điều kiện địa chất thủy văn phức tạp, địa tầng phía trên là đất yếu, lớp đất tốt ở dưới sâu, sông sâu nước chảy xiết và đặc biệt có yêu cầu cho tàu, phà sông, biển lưu thông.
Khi nghiên cứu các phương án để xây dựng cầu, nhóm tác giả thấy rằng phương án dầm hộp bê-tông cốt thép dự ứng lực (BTCT DƯL) đúc hẫng cân bằng thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật có nhiều ưu điểm hơn so với các phương án dàn thép, cầu dây văng ở các mặt như: chi phí xây dựng thấp, tận dụng tối đa vật tư, vật liệu, nhà thầu trong nước không cần các nhà thầu ngoại… Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về khẩu độ nhịp chính thấy rằng: Nếu khẩu độ dưới 135m như công nghệ cũ đã có thì sẽ tăng giá thành xây dựng do phải tăng số lượng trụ, số lượng nhịp. Khẩu độ nhịp tối ưu là 150m, đây là nhịp cầu BTCT DƯL lớn nhất được xây dựng ở Việt Nam cho đến nay. Trước đây các cầu BTCT được xây dựng ở Việt Nam đều dưới 135m. Khi vượt khẩu độ lớn đến 150m, đặt ra các yêu cầu kỹ thuật khó khăn đặc biệt phải giải quyết như: các ảnh hưởng phức tạp của co ngót, từ biến, nhiệt độ… đến kết cấu công trình. Ảnh hưởng biến dạng và độ ổn định công trình khi nhịp quá lớn.
Để giải quyết các vấn đề trên, nhóm thiết kế đã đưa ra nhiều mô hình kết cấu, giải pháp kỹ thuật để nghiên cứu so sánh từ đó lựa chọn phương án phù hợp nhất để áp dụng, có thể nêu ra đây một số giải pháp chính như: sử dụng hệ khung ngàm liên kết 4 trụ với dầm tăng ổn định tổng thể kết cấu. Thiết kế thân trụ chính có hai thân để tăng khả năng chịu lực của trụ và dầm. Lựa chọn tối ưu kích thước dầm. Áp dụng công nghệ vật liệu mới như cáp DƯL ngoài, bê-tông cường độ cao…
Làm chủ khoa học - công nghệ
Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống nhiều sông rộng, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường thủy rất lớn, vì vậy đòi hỏi các công trình vượt sông phải đảm bảo khẩu độ nhịp thông thuyền lớn. Với các phương án thiết kế cầu dạng kết cấu dây văng, dây võng sẽ đáp ứng yêu cầu này, tuy nhiên giá thành xây dựng công trình cao, thời gian thi công dài. Vì vậy việc áp dụng thành công kết cấu nhịp đúc hẫng cân bằng khẩu độ nhịp L=150m đã giải quyết được các yêu cầu trên với giá thành phù hợp. Trên cơ sở kinh nghiệm thiết kế, thi công và kiểm soát chất lượng tại dự án cầu Hàm Luông đã được nhân ra một số công trình lớn như cầu Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam); cầu Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre - Trà Vinh), tới đây sẽ thực hiện tiếp tại cầu Đại Ngãi 2 thuộc dự án cầu Đại Ngãi (tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng) và một số dự án lớn khác trong cả nước đã khẳng định tính lan tỏa của công nghệ. Vì thế về ứng dụng KH&CN của công trình xây dựng cầu Hàm Luông cho đến thời điểm hiện nay đã minh chứng cho sự nhân rộng của việc làm chủ KH&CN của đội ngũ kỹ sư trong nước.
Chính những người trong cuộc khi xây dựng cầu Hàm Luông đã tự nhận: Vượt qua muôn vàn những khó khăn, thách thức từ kỹ thuật phức tạp, biến động khủng hoảng kinh tế tác động đến thị trường đến giá cả gây ảnh hưởng lên tiến độ thi công; dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, sự giúp đỡ hết mình của UBND tỉnh Bến Tre, cùng với nỗ lực của các đơn vị tham gia dự án: Ban Quản lý dự án 7, Tư vấn thiết kế (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI), Tư vấn giám sát (Viện KHCN GTVT), công trình đã khánh thành ngày 24/4/2010.
Việc công trình cầu Hàm Luông được trao tặng giải thưởng cấp Nhà nước là sự ghi nhận những nỗ lực, kết quả nổi bật của các kỹ sư cầu đường đang tích cực đóng góp cho ngành GTVT về KH&CN nói riêng, công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh khu vực, cũng như đất nước nói chung.
Ông Nguyễn Thái Hà bày tỏ: “Giải thưởng là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của mỗi chúng tôi, là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục phấn đấu và cống hiến. Tôi xin chia sẻ niềm vui này tới các tập thể, cá nhân đã tham gia, đóng góp công sức của mình để tạo sự thành công của công trình - một sản phẩm có ứng dụng KH&CN cao, sự nỗ lực của đội ngũ kỹ sư trong nước để làm được các cầu vượt sông lớn. Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, sự giúp đỡ hết mình của UBND tỉnh Bến Tre để công trình hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối để đạt được giải thưởng hôm nay”.
Chiếc cầu gắn kết Bến Tre - Hà Nội
Cho đến hôm nay, cảm xúc vui mừng vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức ông Huỳnh Văn Be trong ngày Chính phủ, Bộ GTVT đồng ý cho lập dự án xây dựng cầu Hàm Luông. Câu chuyện được kể lại rằng: Khi Bộ trưởng Bộ GTVT đưa bài phát biểu khởi công cầu Rạch Miễu cho Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (lúc này là ông Huỳnh Văn Be) góp ý, ông đã không góp ý gì chỉ xin Bộ trưởng thêm câu “Cho tiếp tục lập dự án cầu Hàm Luông” vào cuối bài phát biểu. Vào sáng ngày khởi công cầu Rạch Miễu, Bộ trưởng đã phát biểu trước đông đảo người dân Bến Tre “Đồng ý cho Bến Tre tiếp tục lập dự án cầu Hàm Luông”.
“Chú quá vui mừng, phấn khởi. Không ngờ Bến Tre có được cầu Rạch Miễu, và cũng không ngờ được đồng ý lập dự án cầu Hàm Luông. Không chỉ riêng đối với chú mà cả người dân Bến Tre bao đời đi lại rất khó khăn, nay được có cầu là nỗi vui mừng không tả xiết. Cây cầu Hàm Luông gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật… tưởng chừng bế tắc. Nhưng trước nỗi trắc trở của năm, sáu trăm ngàn người dân xứ cù lao Minh, lãnh đạo Chính phủ khi ấy đã “tháo” khó khăn và tiếp tục ủng hộ Bến Tre. Công trình tiếp tục thay đổi từ công nghệ dây văng sang đúc hẫng, một giải pháp công nghệ mới. Vượt qua vốn, kỹ thuật, cầu Hàm Luông đã khánh thành đúng tiến độ, thắng lợi đó đã giúp giao thông Bến Tre phát triển đem lại nhiều tiện ích cho xã hội” - ông Huỳnh Văn Be nói.
Công trình cầu Hàm Luông với người dân Bến Tre còn ghi một dấu ấn hướng về Thủ đô Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến. Tại đường dẫn lên cầu Hàm Luông có một công viên rợp bóng mát cây xanh với đài phun nước, tạo cảnh quan khá đẹp mắt, phía trước công viên gắn một tấm biển lớn in dòng chữ “Cầu Hàm Luông, công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Công viên này là nơi dừng chân cho khách bộ hành giữa Quốc lộ 60, hàng ngày, nhiều người dân cũng đến đây để đi dạo, tập thể dục.
Trong tâm tình biết ơn các bộ, ngành Trung ương đã giúp Bến Tre có được chiếc cầu nối đôi dòng Hàm Luông, ông Huỳnh Văn Be chia sẻ: Giải thưởng là nguồn động viên, khích lệ, trả ơn đối với những người đã từng giúp đỡ Bến Tre. Ngày trước đi phà mất nhiều thời gian, bây giờ chỉ mất 4 - 5 phút để qua cầu, chính nhờ vậy mà đời sống bà con mình ngày càng phát triển.
Ngày 15/1/2017, lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đã được Bộ KH&CN long trọng tổ chức. Theo đó, có 9 công trình đặc biệt xuất sắc được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 công trình xuất sắc được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V trong tổng số 95 công trình, cụm công trình tham gia đăng ký xét tặng.
Trước đó, công trình cầu Hàm Luông cũng được trao giải thưởng Cúp vàng xây dựng Việt Nam năm 2010, được trao tặng giải vàng sản phẩm tư vấn do Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam trao tặng năm 2011.