Theo dự đoán, chi phí của pin thể rắn sẽ tương đương với pin Lithium-ion, giúp các nhà sản xuất có thể tạo ra những chiếc xe điện đi xa và an toàn hơn.
VinFast vừa ký kết việc hợp tác với Prologium sản xuất pin thể rắn ở Việt Nam.
Dù pin Lithium-ion hiện tại có thể cung cấp đủ điện năng cho xe điện (EV) và vấn đề cần giải quyết lớn nhất vẫn là hạ tầng sạc nhanh nhưng nhiều người vẫn mong chờ khả năng ứng dụng tốt của pin thể rắn (SSB) - một công nghệ đã xuất hiện nhưng vẫn chưa rộng rãi do chi phí sản xuất quá cao.
Tuy nhiên, theo FutureBridge (công ty phân tích của Hà Lan), pin thể rắn sẽ có mức giá bán tương đương với pin Litthium-ion vào năm 2025, mở ra tương lai sáng cho công nghệ này. Đó có thể là một cột mốc dành cho ngành công nghiệp xe điện, SSB không chỉ cho phép sạc nhanh hơn, mà còn tăng tuổi thọ của pin cũng như an toàn vượt trội.
Dù dự đoán đến năm 2030, pin thể rắn mới bắt đầu được thương mại hóa cho xe điện nhưng điều đó có thể đến sớm hơn nhờ vào các nỗ lực từ nhiều công ty hiện nay. Toyota (hợp tác cùng Panasonic) đã công bố ý định trở thành nhà sản xuất ôtô đầu tiên bán một mẫu xe điện trang bị pin thể rắn, với hứa hẹn phạm vi hoạt động tối đa mỗi lần sạc lên tới 500 km và thời gian sạc đầy sẽ chỉ mất 10 phút.
Nếu nghiên cứu về pin thể rắn được đẩy mạnh, dự đoán trên hoàn toàn có thể trở thành sự thật. Thực tế, Toyota kỳ vọng sẽ bán ra mẫu xe điện với bộ pin thể rắn đầu tiên của mình trong vòng 2 hoặc 3 năm tới trong khi Volkswagen cũng công bố ý định sản xuất các bộ SSB vào năm 2025, và Nissan có kế hoạch thử nghiệm mẫu xe điện với công nghệ pin này vào năm 2028.
Một trong những vấn đề nóng được tranh luận về công nghệ pin trên xe điện hiện nay là việc dung lượng bị sụt giảm dần theo thời gian, điều vẫn đang hiện hữu trên pin Lithium-ion. Do giá của các bộ pin rất đắt nên cần phải giữ chúng càng lâu càng tốt. Toyota cho biết hãng đang hướng tới mục tiêu tuổi thọ 30 năm cho các SSB, có nghĩa pin sẽ giữ được 90% dung lượng ban đầu sau 3 thập kỷ sử dụng.
FutureBridge cho biết nghiên cứu về công nghệ pin thể rắn đang tăng tốc khi ngày càng có nhiều công ty tham gia vào cuộc đua.
Phân tích của công ty này cho thấy trong năm 2020 đã có 426 hồ sơ bằng sáng chế được công bố liên quan đến pin thể rắn. Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu về hoạt động cấp bằng sáng chế cho công nghệ này với 21%, tiếp theo là Nhật Bản với 18%. Trong khi đó, Toyota, Panasonic, Nippon, Hyundai, Murata Manufacturing và LG Chem là những công ty tích cực nhất.
Các nhà sản xuất ôtô chiếm 28% số lượng bằng sáng chế liên quan đến pin thể rắn, dẫn đầu là Toyota, Hyundai và Honda. 72% số hồ sơ còn lại đến từ các công ty khác nhau như: Nhà sản xuất pin, nhà cung cấp linh kiện ôtô, công ty hóa chất và viện nghiên cứu.
Năm 2010, chi phí cho mỗi 1 kWh của pin Lithium-ion lên tới hơn 1.000 USD, trong vòng 1 thập kỷ nó đã giảm gần 10 lần. Nhiều dự đoán cho rằng chi phí pin Lithium-ion sẽ tiếp tục giảm và đến năm 2030 giá trung bình cho mỗi 1 kWh sẽ chỉ còn dưới 60 USD. Với số lượng đông đảo công ty nghiên cứu công nghệ pin thể rắn, hy vọng sẽ có bước đột phá trong chi phí của loại pin này những năm tới.