Cuộc sống đang không ngừng chứng kiến sự tham gia của công nghệ. Năm 2021, dù dịch COVID-19 có cản trở nhiều thứ nhưng ở nhiều góc độ lại kích thích công nghệ phát triển.
Vận chuyển hàng bằng thiết bị bay đã không còn là chuyện xa vời mà đã trong tầm tay. Thiết bị bay giao hàng hay robot giao hàng ra đời vài tháng trước có thể vận chuyển hàng hóa nặng 4 kg giữa các tòa nhà. Khi trường học trở thành điểm cách ly thì ý tưởng về robot giao hàng để phòng chống dịch COVID-19 đã ra đời
"Trong thời gian giãn cách, robot này có thể giao hàng trên các tòa nhà nhưng không chỉ có vậy, trong tương lai, robot này hoàn toàn có thể ứng dụng rộng rãi" - Kỹ sư Phạm Hoàng Sơn phụ trách nhóm Robot giao hàng chia sẻ.
Dự báo, thị trường robot dịch vụ đạt khoảng 420 tỷ USD vào năm 2025. Robot giao hàng, xe tự lái hiện đang trở thành những công nghệ phát triển rất nhanh trong đại dịch.
Được coi là công nghệ của tương lai, rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã tham gia vào cuộc chạy đua phát triển xe tự lái. Cuối tháng 3 vừa qua, một mẫu xe tự lái thông minh đã ra mắt, đánh dấu sự phát triển vược bậc trong công nghệ xe tự lái tại Việt Nam. Thế giới chia xe tự hành làm 5 cấp độ chính. Ở cấp độ 4, xe không cần người lái xe và tự dừng lại khi phát hiện có lỗi.
Xe tự lái thông minh của Phenikaa-X (Ảnh: Phenikaa-X)
"Từ cấp độ 4 trở lên thì hoàn toàn không có người lái ngồi trong xe. Chính vì thế, trên xe không người lái này có một hệ thống thay thế con người để hoàn toàn ra một quyết định rẽ trái hay rẽ phải, nhường đường hay là dừng lại. Vì vậy, phải phát triển được hệ thống xe lái hoàn toàn bằng câu lệnh" - TS. Lê Anh Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Phenikaa-X, cho biết.
Các tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam đều đang tập trung tiềm lực để sớm hoàn thiện những chiếc xe tự hành ở cấp độ 5, tức là không cần lái xe nữa. Những chiếc xe tự hành mang thương hiệu Việt sẽ đánh dấu sự phát triển vượt bậc của các nhà khoa học.
Bên cạnh xe tự lái, trong tương lai, giao thông thông minh còn có Hyperloop. Không bánh xe, lao vun vút với vận tốc 1.200 km/h, chuyến chạy thử nghiệm Hyperloop với hành khách bên trong đã thành công. Tỷ phú Elon Musk là người đầu tiên có ý tưởng này năm 2013. Và tỷ phú Anh Richard Branson đã tầu tư số tiền khổng lồ cho công nghệ được coi là nhanh hơn cả máy bay này.
Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng giao thông hiện đang không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân và tình trạng tắc nghẽn giao thông đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, các chính phủ, các thành phố và các công ty công nghệ trên thế giới đều đang dành nhiều sự quan tâm cho Hyperloop. Cả Mỹ, Ấn Độ và nhiều nước khác đang đầu tư hàng tỷ USD để phát triển công nghệ này. Viễn cảnh con người đi lại với Hyperloop trong thập kỷ này không phải quá xa vời.