Dẫn đường theo tính năng - Một bước tiến ứng dụng công nghệ hiện đại(Thứ tư, 27/03/2013 00:00 GMT+7)

Từ trước đến nay, dịch vụ dẫn đường của ngành quản lý bay vẫn dựa trên cơ sở công nghệ dẫn đường cổ điển. Việc dẫn đường trên đường bay hay tiếp cận và hạ cánh tại các sân bay được thực hiện dựa vào tín hiệu của các hệ thống, thiết bị dẫn đường như: Đài dẫn đường đa hướng/Thiết bị đo cự ly (VOR/DME), đài dẫn đường vô hướng (NDB) hay hệ thống hạ cánh nhờ khí tài (ILS). Các hệ thống, thiết bị này mặc dù đều đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định như: tầm phủ sóng và độ chính xác của thiết bị còn hạn chế, khó lắp đặt tại các vùng có địa hình hiểm trở (núi cao, biển xa…),…

Từ trước đến nay, dịch vụ dẫn đường của ngành quản lý bay vẫn dựa trên cơ sở công nghệ dẫn đường cổ điển. Việc dẫn đường trên đường bay hay tiếp cận và hạ cánh tại các sân bay được thực hiện dựa vào tín hiệu của các hệ thống, thiết bị dẫn đường như: Đài dẫn đường đa hướng/Thiết bị đo cự ly (VOR/DME), đài dẫn đường vô hướng (NDB) hay hệ thống hạ cánh nhờ khí tài (ILS). Các hệ thống, thiết bị này mặc dù đều đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định như: tầm phủ sóng và độ chính xác của thiết bị còn hạn chế, khó lắp đặt tại các vùng có địa hình hiểm trở (núi cao, biển xa…),…

Để khắc phục hạn chế của các hệ thống, thiết bị dẫn đường cổ điển, trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ dẫn đường hiện đại, ngành quản lý bay Việt Nam đã từng bước áp dụng phương pháp dẫn đường theo tính năng. Đây là phương pháp dẫn đường sử dụng tín hiệu vệ tinh với nhiều tính năng ưu việt, cụ thể:

·        Tăng cường độ an toàn vùng trời khi áp dụng phương thức giảm độ cao có sử dụng khí áp (vertical guidance).

·        Tiết kiệm thời gian bay bởi vì đã lựa chọn được các đường bay tối ưu, không phải bay vòng, tiết kiệm nhiên liệu, giảm tiếng ồn, góp phần giảm khí thải ra môi trường.

·        Thiết lập thêm nhiều đường bay đến sân bay, tối ưu cho vùng trời trong mọi điều kiện thời tiết.

·        Khi áp dụng phương thức dẫn đường theo tính năng, sẽ giảm được mật độ bay tại các sân bay và khu vực có mật độ bay cao, các đường bay đi và đến được tách biệt nhằm gia tăng an toàn và giảm tải cho kiểm soát viên không lưu.

·        Đối với phương thức tiếp cận, khi áp dụng dẫn đường theo tính năng, hướng tiếp cận hạ cánh luôn luôn được đối chuẩn với trục đường cất hạ cánh kéo dài, trong khi đó các phương thức VOR, NDB (off set) không đáp ứng được tiêu chí này.

Với những lợi thế trên, Việt Nam đã chính thức áp dụng dẫn đường theo tính năng và tiêu chuẩn thời tiết tối thiểu đầu tiên tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài từ ngày 15/3/2013.

Có thể nói, trong lĩnh vực quản lý hoạt động bay Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường “đi tắt, đón đầu” ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến trên thế giới phục vụ cho việc cung cấp các dịch vụ điều hành bay ngày càng hiện đại, tự động hóa, độ tin cậy và tính khả dụng cao để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo an toàn điều hành bay.

Nguồn: VATM