Hệ thống cảnh báo kẹt xe thông minh(Thứ hai, 25/01/2010 00:00 GMT+7)

Nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) do PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Nhà trường làm chủ nhiệm đề tài đang thử nghiệm một hệ thống cảnh báo giao thông thông minh, có thể áp dụng tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) do PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Nhà trường làm chủ nhiệm đề tài đang thử nghiệm một hệ thống cảnh báo giao thông thông minh, có thể áp dụng tại Việt Nam.
Hệ thống này gồm có các cảm biến tự động, cơ, hoặc camera quan sát được lắp đặt tại những điểm thường xảy ra kẹt xe. Khi nhận biết mật độ tập trung xe cộ trên 80% và vận tốc xe chuyển động dưới 4 km một giờ (tức tình trạng kẹt xe đang diễn ra), hệ thống sẽ tự động báo về trung tâm điều khiển. Tại đây, tin nhắn SMS sẽ tự động gửi cảnh báo trên các bảng đèn LED được bố trí trên những tuyến đường dẫn đến điểm kẹt xe. Đồng thời, tùy theo tuyến đường mà hệ thống đưa ra giải pháp giúp người đang tham gia giao thông rẽ trái hoặc rẽ phải để tránh kẹt xe. Các nhà khoa học cũng đưa ra hệ thống dự phòng, khi hệ thống quan sát trực tuyến trục trặc có thể can thiệp bằng tin nhắn điện thoại di động về trung tâm. Người tham gia giao thông có thể gọi điện thoại trực tiếp, hoặc nhắn tin về trung tâm điều khiển. Tại đây, dựa vào bản đồ số với các cảm biến hoặc camera quan sát trực tuyến, hệ thống sẽ thông báo tình trạng giao thông cho người yêu cầu. Ngoài ra, người tham gia giao thông có thể theo dõi, nhận biết tình trạng kẹt xe thông qua quan sát trực tiếp trên website riêng của hệ thống.  
Theo ThS Trần Văn Sư, thành viên nhóm nghiên cứu, hiện TP Hồ Chí Minh có gần 100 camera quan sát tại các điểm “nóng” về kẹt xe. Số lượng camera này tương đối đủ để kết nối vào hệ thống, còn ở những điểm thiếu camera sẽ được bố trí thêm các cảm biến tự động hoặc cầm tay. Hệ thống cảnh báo giao thông này sẽ kết hợp với các mạng viễn thông như Vinaphone, Viettel, Mobifone… để hoạt động.
Theo tính toán, sẽ tốn khoảng 700 triệu đồng để đầu tư hệ thống giao thông thông minh cho một nút giao thông (như nút giao thông ngã tư Phú Nhuận) bao gồm: Các camera quan sát, cảm biến, đèn LED cảnh báo trên các tuyến đường, nhà trung tâm (máy, tổng đài…). Tuy nhiên, kinh phí này sẽ giảm dần ở những điểm nút giao thông tiếp theo. Dù đã nhiều lần thuyết trình đề tài trên với UBND, Sở Giao thông - Vận tải, Phòng cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh, nhưng đến nay, nhóm nghiên cứu vẫn chưa nhận được tín hiệu phản hồi về việc triển khai hệ thống cảnh báo giao thông thông minh này.

Theo Đất Việt, 20/01/2010