Tư vấn, thiết kế GTVT: Những đóng góp thầm lặng(Thứ sáu, 08/10/2010 00:00 GMT+7)
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Không có thiết kế thì không có xây dựng cơ bản. Thiết kế tốt thì xây dựng cơ bản có cơ sở làm tốt". Nhiều năm qua, lớp lớp cán bộ, nhân viên làm tư vấn, thiết kế GTVT đã âm thầm đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng.
Giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH. Với Thủ đô lớn như Hà Nội, điều này càng có ý nghĩa, bắt đầu ngay từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Không có thiết kế thì không có xây dựng cơ bản. Thiết kế tốt thì xây dựng cơ bản có cơ sở làm tốt". Nhiều năm qua, lớp lớp cán bộ, nhân viên làm tư vấn, thiết kế GTVT đã âm thầm đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng.
Có thể nói, hầu hết những công trình giao thông quan trọng ở Hà Nội đều có dấu ấn của đơn vị tư vấn thiết kế GTVT lớn nhất nước - Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI). Đó là cầu Thăng Long, Chương Dương, đường Đại Cồ Việt, Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Vành đai 3, Láng - Hòa Lạc, cầu Phù Đổng, Thanh Trì, Vĩnh Tuy… Tổng Giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn cho biết, kể từ khi thành lập (1962) đến nay, TEDI lớn mạnh gắn liền với sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được đơn vị nghiên cứu và áp dụng thành công tại nhiều công trình giao thông ở Hà Nội rồi từ đó áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Công nghệ thi công cầu bằng bê tông dự ứng lực hiện được áp dụng phổ biến, nhưng chắc hẳn ít người biết, cây cầu bê tông dự ứng lực đầu tiên ở nước ta chính là cầu Phù Lỗ. Còn có thể kể ra thêm công nghệ thi công đường bê tông xi măng ứng dụng lần đầu ở Quảng trường Ba Đình, rồi đường phía bắc cầu Chương Dương…
Đường Vành đai 3, một trong những công trình giao thông do Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT thiết kế. Ảnh: Đàm Duy
Tổng Giám đốc Phạm Hữu Sơn là người có nhiều tình cảm với Hà Nội. Dự án xây dựng nút giao phía nam cầu Chương Dương là một trong những dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp tư vấn, thiết kế của cá nhân ông. Khi đó, ông đang giữ chức Giám đốc Trung tâm tin học và là người trực tiếp phụ trách việc tư vấn, thiết kế nút giao này và phải mất 1 năm bảo vệ, chứng minh ưu điểm của ý tưởng trước nhiều giáo sư, tiến sỹ đầu ngành. Cái khó của việc xây dựng nút giao này là cầu đi thẳng vào trung tâm dân cư, sát khu vực phố cổ. Đòi hỏi đưa ra khi đó là vừa phải bảo đảm thi công mà không được "đụng chạm" tới phố cổ, nhà dân. Làm tư vấn, thiết kế giao thông Hà Nội có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, đặc biệt là tại những công trình liên quan tới yếu tố lịch sử, văn hóa. Có ý tưởng đã khó, bảo vệ ý tưởng lại càng khó hơn, nếu không có bản lĩnh sẽ "đẽo cày giữa đường", ông tâm sự.
Cầu Vĩnh Tuy, cây cầu lớn thể hiện sức mạnh nội sinh của Thủ đô, khi Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu, huy động sức mạnh nhân dân xây dựng. Từ thiết kế đến thi công đều do người Việt thực hiện. TEDI được tin tưởng giao nhiêm vụ này và đã mạnh dạn thiết kế cây cầu đạt kỷ lục về chiều dài mỗi nhịp cầu 135m đúc hẫng cân bằng dự ứng lực. Nếu như cầu Chương Dương xây dựng từ lâu và chưa có điều kiện tính toán hết nhu cầu sử dụng sau này dẫn tới việc thiết kế nút giao gặp khó khăn, tại cầu Vĩnh Tuy, các nút giao lập thể tại phía Minh Khai và vượt đường 5 đã được thiết kế, xây dựng đồng bộ, bảo đảm cho giao thông không chỉ hiện tại. Cũng không thể không kể đến dự án đường Vành đai 3, với đường cao tốc chạy trên cao giữa lòng thành phố, một sản phẩm cá tính, thể hiện tầm nhìn xa đáp ứng yêu cầu giao thông ngày càng tăng mạnh của Thủ đô...
Bên cạnh hàng loạt công trình đã hoàn thành hoặc đang thi công ở Hà Nội, hiện TEDI đang nghiên cứu quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội, một phần quan trọng trong quy hoạch phát triển chung của thành phố. Hàng loạt dự án đường cao tốc hướng tâm do TEDI thiết kế đang được đầu tư thực hiện đồng loạt như: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Láng - Hòa Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ. TEDI đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thiết kế đường Vành đai 4, Vành đai 5, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng Thủ đô. Dưới góc độ giao thông, có thể nói dù đã tròn 1000 năm tuổi, nhưng Hà Nội mới như đang ở tuổi Xuân sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.
HNM