Chế tạo thành công thiết bị điện tự động có sử dụng công nghệ khả trình cho tàu thuỷ(Thứ sáu, 01/04/2011 00:00 GMT+7)
Vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước do GS.TSKH Thân Ngọc Hoàn làm chủ tịch đã tiến hành nghiệm thu dự án “Hoàn thành công nghệ sản xuất các thiết bị điện, tự động cho tàu thuỷ sử dụng công nghệ khả trình” (mã số: KC.06.DA10/06-10).
Vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước do GS.TSKH Thân Ngọc Hoàn làm chủ tịch đã tiến hành nghiệm thu dự án “Hoàn thành công nghệ sản xuất các thiết bị điện, tự động cho tàu thuỷ sử dụng công nghệ khả trình” (mã số: KC.06.DA10/06-10).
Được biết, trong lĩnh vực tự động tàu thuỷ, công nghệ khả trình - là kỹ thuật lập trình điều khiển và giám sát trên các hệ vi điều khiển, trên các thiết bị có khả năng lập trình được (PLC)… Công nghệ khả trình cho phép lập trình và thay đổi thuật toán điều khiển bằng phương pháp nạp chương trình ứng dụng mới vào thiết bị cứng và trong nhiều trường hợp không cần thay đổi cấu trúc phần cứng, cho phép mở rộng các chức năng điều khiển và giám sát từ xa.
Trên thế giới công nghệ khả trình và mạng truyền thông công nghiệp trong các hệ thống tàu thuỷ đã và đang phát triển mạnh. Thực tế tại Việt Nam, nhu cầu nội địa hoá thiết bị trong công nghiệp đóng tàu là rất lớn và cấp bách, bên cạnh đó các hệ thống, thiết bị điện tự động có sử dụng công nghệ khả trình cho tàu thuỷ là rất phù hợp.
Từ những lý do trên, dự án đã được triển khai. Dự án này là phần kế tiếp của nghiên cứu nhiều năm của các đề tài NCKH cấp bộ, cấp cơ sở tại trường Đại học Hàng hải, đặc biệt là từ kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài KC 06.12CN “Nghiên cứu chế tạo bộ điều khiển tự động theo công nghệ khả trình cho các hệ thống, thiết bị tự động tàu thuỷ đã được nghiệm thu đạt xuất sắc năm 2005.
Báo cáo tại hội đồng nghiệm thu, PGS.TS Phạm Ngọc Tiệp chủ nhiệm dự án đã nêu lên những kết quả nổi bật mà dự án đã đạt được. Dự án có mục tiêu: tạo được công nghệ ổn định và tiên tiến để sản xuất các thiết bị điện, hệ thống tự động tàu thuỷ đạt chất lượng kỹ thuật tương đương với các sản phẩm tương tự của thế giới. Đến thời điểm nghiệm thu, dự án đã hoàn thành 21 sản phẩm mới cho lĩnh vực chế tạo thiết bị điện tự động tàu thuỷ. Đặc biệt sản phẩm “Bộ khởi động độc lập cho 02 loại tàu 6,5 nghìn tấn và 22,5 nghìn tấn” vượt 4 sản phẩm, các sản phẩm của chương trình điều khiển, thiết kế kỹ thuật, thiết kế công nghệ đã thực hiện vượt chỉ tiêu, cụ thể còn thực hiện cho các loại tàu 3 nghìn tấn, tàu 11,5 nghìn tấn, tàu chở nhựa đường 1700m3 và tàu cứu hộ biển…
Với thành công trên, dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể, cụ thể các sản phẩm dạng I của Dự án tạo ra so với sản phẩm tương đương của nước ngoài giảm được khoảng 40% đối với các hệ thống phức tạp, còn các hệ thống đơn giản được khoảng 70%.
Hội đồng đã đánh giá cao những kết quả mà dự án đạt được, đồng thời kiến nghị sớm chuyển giao công nghệ, liên doanh sản xuất thiết bị hoặc tự thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ để phát triển sản xuất.
TTKH