Hệ thống tự động báo kẹt xe(Thứ hai, 23/02/2009 00:00 GMT+7)
Tháng 12/2008, nhóm nghiên cứu của PGS–TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, đã trình bày với lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, Phòng CSGT đường bộ TP về hệ thống cảnh báo, thông báo tình trạng giao thông này để xin phép triển khai vào ứng dụng thực tế. Theo dự kiến, đầu năm 2009, nhóm sẽ thực hiện thí điểm ở một vài địa điểm dưới sự chấp thuận của TP.
Chỉ cần nhìn vào bảng thông báo đặt bên đường, người tham gia giao thông có thể biết được nơi nào đang kẹt xe. Qua hệ thống tin nhắn, người tham gia giao thông cũng được tư vấn đi hướng nào để tránh kẹt xe.
Tháng 12/2008, nhóm nghiên cứu của PGS–TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, đã trình bày với lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, Phòng CSGT đường bộ TP về hệ thống cảnh báo, thông báo tình trạng giao thông này để xin phép triển khai vào ứng dụng thực tế. Theo dự kiến, đầu năm 2009, nhóm sẽ thực hiện thí điểm ở một vài địa điểm dưới sự chấp thuận của TP.
Nhận biết kẹt xe bằng cảm ứng
Công trình nghiên cứu mang tên “Hệ thống cảnh báo và điều khiển giao thông”, gồm một chương trình mô phỏng, một hệ thống thiết bị cảm biến đo lường, các bảng thông báo bằng đèn LED về tình trạng kẹt xe, một hệ thống nhận tin nhắn, cuộc gọi và trả lời các tin nhắn, cuộc gọi này. Tất cả những bộ phận đó hình thành nên một mạng lưới có khả năng cập nhật, tổng hợp được tình hình xe cộ lưu thông một cách liên tục theo thời gian và hiển thị tình trạng giao thông trên các bảng thông báo đặt tại một số điểm bên đường. Người tham gia giao thông chỉ cần nhìn vào đó và xác định được hướng đi nào đang bị kẹt xe để tránh đi vào, vừa giúp tránh mất thời gian của bản thân vừa giúp nút kẹt xe nhanh chóng được giải tỏa.
Để đo lưu lượng xe lưu thông trên các giao lộ, nhóm đã nghiên cứu qua hơn chục loại thiết bị cảm ứng như cảm ứng từ, cảm ứng điện từ, cảm ứng hình ảnh... để chọn ra giải pháp tối ưu vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm độ chính xác. Thiết bị cảm ứng được thiết kế đặc biệt đặt tại các điểm nóng hay xảy ra tình trạng kẹt xe để theo dõi. Khi xe cộ đi ngang qua những vị trí này, sức nặng và từ tính phát ra từ các phương tiện này sẽ được nhận biết và báo về hệ thống xử lý trung tâm qua một hệ thống thông tin liên lạc. Sau đó, các thông tin sẽ được xử lý và hiển thị ở các “thiết bị đầu ra” như màn hình, tin nhắn, điện thoại... để thông báo đến người tham gia giao thông.
Chi phí không cao
Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, thời gian đầu hệ thống sẽ thực hiện ở mức bán tự động. Công tác trả lời tin nhắn, điện thoại gọi đến sẽ vừa do con người thực hiện vừa do máy thực hiện. Thông tin trên toàn bộ hệ thống được kết nối với nhau trên diện rộng nên người dân ngồi một chỗ vẫn có thể biết được thông tin ở các nơi khác nhau trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong một thời điểm nhất định. Theo dự tính, chi phí đầu tư trang thiết bị cho một điểm trong thời điểm hiện tại khá rẻ, chỉ ở mức hơn chục triệu đồng/điểm.
Ngoài Đề tài “Hệ thống cảnh báo và điều khiển giao thông” này, là một người tâm huyết với giao thông tại Tp. Hồ Chí Minh, trước đó PGS-TS Hồ Thanh Phong đã có 2 đề tài liên quan đến lĩnh vực này, đó là đề tài “Các biện pháp trước mắt giảm kẹt xe ở Tp. Hồ Chí Minh” được nghiệm thu năm 2003; Đề tài “Ứng dụng kỹ thuật mô phỏng và tối ưu vào việc nghiên cứu giao thông ở Tp. Hồ Chí Minh” nghiệm thu năm 1999. Đề tài năm 1999 là cơ sở lý thuyết còn đề tài năm 2003 là những ứng dụng cụ thể cho các giao lộ tại Tp. Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành nghiệm thu, kết quả đã được chuyển giao về Sở Giao thông Vận tải, đề tài năm 2003 đã được thử nghiệm trên mô hình. Với đề tài lần này, PGS-TS Hồ Thanh Phong hy vọng sẽ được cho phép triển khai vào thực tế để đem lại những hiệu quả thiết thực hơn.
Theo Người Lao động, 4/02/2009