Ứng dụng Khoa học công nghệ nâng tầm những công trình giao thông hiện đại(Thứ hai, 01/02/2021 08:12 GMT+7)

Với chiến lược ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ (KHCN) nhằm xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với mục tiêu vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, trong năm qua, ngành GTVT đã đưa nhiều công nghệ mới vào sản xuất, đồng thời ứng dụng công nghệ 4.0 vào tất cả các lĩnh vực của Ngành.


Áp dụng công nghệ hiện đại vào sửa chữa mặt cầu Thăng Long

Nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn được ban hành

Thời gian qua, các đơn vị của ngành GTVT đã tập trung xây dựng hoàn thiện các văn bản QPPL, các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chỉ tính riêng năm 2020, Vụ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì trình Bộ GTVT ban hành 1 QCVN, gửi đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 23 TCVN, chỉ đạo Tổng cục ĐBVN, Cục Hàng không Việt Nam công bố 5 TCCS. Vụ đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu 31 đề tài; thẩm định 10 TCVN, TCCS; 16 nhiệm vụ thường xuyên, tiêu chuẩn ngành của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT; rà soát phê duyệt thuyết minh, dự toán của nhiệm vụ KHCN năm 2020; gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng kế hoạch KHCN năm 2021; đặt hàng nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2021; thành lập và tổ chức họp Hội đồng xác định đề tài 2021; tổ chức xây dựng và có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ kế hoạch nhiệm vụ KHCN năm 2021 (đề tài, tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng); đẩy nhanh tiến độ báo cáo, thống kê về các đề tài, dự án khoa học nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất

Năm 2020, Vụ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu trình Bộ GTVT ban hành 2 công nghệ mới, vật liệu mới về mặt đường bê tông bán mềm, phụ gia CeraChip sử dụng trong hỗn hợp bê tông nhựa nóng; tham mưu cho phép triển khai các công nghệ mới, vật liệu mới; có văn bản gửi Tổng cục ĐBVN về đề xuất thí điểm cầu sử dụng công nghệ UHPC theo phương pháp phân đoạn trong dự án LRAMP; tham mưu Bộ cho phép triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc Chương trình Aus4Transport của Chính phủ Úc “Đánh giá công nghệ dầm cánh rộng áp dụng cho các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam”; góp ý kiến cho nhiều dự án về chủ trương đầu tư các dự án, các hồ sơ thiết kế, các quy trình bảo trì, các chỉ dẫn kỹ thuật, các vấn đề kỹ thuật...

Công tác quản lý công nghiệp GTVT năm qua cũng đã gặt hái nhiều kết quả đáng mừng. Theo đó, Vụ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu trình Bộ GTVT để Bộ báo cáo Chính phủ phương tiện tạm nhập, tái xuất động cơ, linh kiện ô tô đã qua sử dụng phục vụ nghiên cứu, thiết kế như: Hệ thống ITS: GYK về việc gắn thẻ điện tử cho các phương tiện vận tải hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; góp ý kiến đối với dự thảo Đề cương Đề án “Quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống giao thông thông minh và hệ thống thu phí điện tử không dừng trên đường cao tốc”; tham mưu giải quyết kiến nghị tại Tờ trình của Tổng cục ĐBVN về “Phương pháp xác định chi phí quản lý, vận hành dự án BOT”; rà soát, tham mưu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật công nghệ, mô hình hệ thống ITS, hệ thống thu phí các dự án thành phần Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tham mưu xử lý văn bản số 1060/BQLDA6-KTTĐ ngày 18/6/2020 của Ban QLDA 6 về việc nghiên cứu tích hợp giải Radar Clearway vào hệ thống ITS các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam; tham mưu với Bộ GTVT để yêu cầu Tổng cục ĐBVN xây dựng và ban hành định mức hoặc phương pháp xác định chi phí quản lý thu phí phù hợp với quy mô dự án, phù hợp với quy mô, công nghệ tổ chức thu phí; báo cáo lãnh đạo Bộ về công tác xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật chi phí quản lý thu phí tại các dự án BOT; về một số vấn đề trong quá trình triển khai ITS, hệ thống thu phí cao tốc Bắc - Nam; tham mưu lãnh đạo Bộ xem xét kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc áp dụng niên hạn sử dụng đối với phương tiện giao thông đường sắt theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP.

Công nghệ thi công bằng hệ đà giáo di động

Tiếp cận và làm chủ công nghệ 4.0

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Vụ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Bộ GTVT triển khai các nhiệm vụ được giao, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của ngành GTVT, từ đó đem lại những hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý điều hành sản xuất, phục vụ doanh nghiệp và người dân về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Để hoạt động KHCN ngày càng được đẩy mạnh, ứng dụng vào các lĩnh vực của Ngành, năm 2021, hoạt động KHCN ngành GTVT sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Ứng dụng KHCN trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý cũng như trong hoạt động quản trị doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp; tiếp tục rà soát chỉnh sửa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về GTVT theo tiến độ, đáp ứng yêu cầu thực tế; tăng cường kiểm tra việc áp dụng, thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; nghiên cứu Hệ thống hóa và triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại về giao thông thông minh trong quản lý vận hành khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông như kiểm soát giao thông, kiểm soát tải trọng, thu phí điện tử; triển khai áp dụng công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa, công nghệ bê tông nhựa rỗng trong xây dựng, sửa chữa đường bộ...

Hoàng Ngân