Người biến tro xỉ nhiệt điện thành đường giao thông(Thứ tư, 28/04/2021 15:52 GMT+7)

Từ thực tiễn nhiều tuyến đường giao thông nông thôn chưa được cứng hóa, trong khi lượng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương trên địa bàn lại thải ra hàng triệu m3, hai kỹ sư cầu đường ở Lạng Sơn đã bắt tay nghiên cứu lấy tro xỉ làm đường.


Tuyến đường làm từ tro xỉ tại thôn Khe Chòi, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập (Lạng Sơn)

Sử dụng hai năm vẫn như mới

Dưới cơn mưa lất phất của những ngày cuối tháng tư, chúng tôi có dịp về thôn Khe Chòi, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn mục sở thị tuyến đường được cứng hóa bằng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương.

Đây là tuyến đường nằm trong đề tài: “Nghiên cứu sử dụng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương làm mặt đường giao thông nông thôn” do ông Trịnh Tuấn Đông, Phó giám đốc Sở GTVT (nay đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn) và kỹ sư Lương Xuân Trường, chuyên viên Phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn đồng chủ nhiệm, thực hiện từ năm 2019 đến nay.

Trước mắt chúng tôi, tuyến đường bê tông bằng phẳng, uốn lượn quanh co qua các triền đồi. Tuy đã được xây dựng, đưa vào sử dụng gần 2 năm nay nhưng mặt đường vẫn gần như mới nguyên, không bị bào mòn, trơn trượt, vài điểm có một số vết rạn nhỏ nhưng phương tiện vẫn lưu thông êm ái.

Ông Lý Văn Ba, Trưởng thôn Khe Chòi cho biết: Thôn chỉ cách trung tâm xã khoảng 4km nhưng trước đây, do tuyến đường chưa được cứng hóa, việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

“Nay thì khác, đường được cứng hóa khiến ô tô con, ô tô tải dễ dàng đi qua, giúp người dân tiêu thụ nông sản. Từ đó, đời sống các hộ dân trong thôn cũng khấm khá hơn. Tuy được làm từ tro, xỉ nhưng đến nay đường vẫn bền, đẹp”, ông Ba nói.

Nhân rộng mô hình

Đề tài khoa học nói trên đã được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận, cho phép triển khai vào thực tế theo đề án hỗ trợ người dân cứng hóa đường giao thông nông thôn.

Cuối năm 2020, tại Hà Nội đề tài khoa học trên đã được nhận giải khuyến khích tại Lễ trao giải “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ 3 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Chia sẻ về lý do nghiên cứu đề tài khoa học trên, ông Trịnh Tuấn Đông cho biết, thời điểm đó, với cương vị là Phó giám đốc Sở GTVT, ủy viên Ban thường vụ Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Lạng Sơn, ông đã được dự nhiều hội nghị tập huấn, bồi dưỡng khoa học.

Qua đó, ông đã được tiếp cận nhiều thông tin về việc nghiên cứu, ứng dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện vào sản xuất gạch không nung, xi măng, bê tông nên đã nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu, ứng dụng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương.

Ông Đông cho biết thêm, nếu thực hiện cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng hoặc mặt đường láng nhựa theo phương pháp truyền thống hiện nay, kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng/1km.

Trong khi hiện toàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn 298,4km đường huyện vẫn là nền đất; 4.213,8km đường xã, đường trục thôn, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng chưa được cứng hóa, tỷ lệ mới đạt 31,4%... Mỗi năm, trung bình Lạng Sơn chỉ cứng hóa được khoảng 320km đường nên đòi hỏi phải có giải pháp mới.

Bên cạnh đó, mỗi năm, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương đều thải ra môi trường khoảng 200.000 tấn tro xỉ, hiện khối lượng tồn bãi đã lên đến hơn 3 triệu tấn và đang tiếp tục tăng thêm.

Được biết, tuyến đường khoảng 1km ở thôn Khe Chòi là tuyến đường đầu tiên được áp dụng kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học. Kinh phí cho 1km này khoảng 600 triệu đồng, rẻ hơn 400 triệu đồng nếu làm bằng bê tông theo phương pháp truyền thống.

Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn cho biết, đề tài trên đã được UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép nhân rộng ra toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc vận chuyển tro xỉ hiện nay có nhiều khó khăn do tỉnh chưa có xe chuyên dụng thực hiện. Tỉnh đã làm việc, đề nghị Công ty CP Nhiệt điện Na Dương có phương án hỗ trợ vận chuyển.

Nguồn: Báo Giao thông