Hiện đại hóa ngành logistics(Thứ tư, 01/11/2023 13:50 GMT+7)
Xác định logistics là một trong những ngành dịch vụ mũi nhọn, vừa trực tiếp tạo ra tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và việc làm, vừa gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực. Trong đó, giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số được đặc biệt nhấn mạnh...
Hệ thống kho ALS Mỹ Đình (Công ty TNHH Dịch vụ kho vận ALS)
có tiêu chuẩn hiện đại và vị trí thuận tiện.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Thành phố Hà Nội giữ vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, gồm cả đường bộ, đường biển, đường sông, hàng không và đường sắt nhưng hệ thống cung ứng dịch vụ logistics phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp hoạt động logistics. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp logistics Hà Nội mới đáp ứng được 25% nhu cầu trong nước, 18% tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, còn lại do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
Hiện hệ thống kho hàng, bến bãi logistics tại Hà Nội còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, thiếu nhiều loại hình kho lưu trữ hàng hóa đặc thù (kho mát, kho lạnh, kho tài liệu…). Lượng cảng cạn ICD ít và mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa kết nối với loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy.
Kế hoạch số 332/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 đặt ra mục tiêu: “Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại, đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực”.
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đỗ Phan Anh, quá trình triển khai kế hoạch này đã gặp phải một số khó khăn, thách thức: Kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh, chưa nâng cấp kịp thời, còn nhiều điểm nghẽn ùn tắc giao thông; ô nhiễm không khí và số lượng phương tiện vận chuyển ngày càng tăng... đã gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ giao hàng và trải nghiệm của khách hàng.
Những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ, nhất là những vấn đề về kết nối, liên kết dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội đã dẫn đến chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, xuất, nhập khẩu, lưu thông hàng hóa.
Xây dựng hệ thống đồng bộ
Để phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL), theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số.
Theo đó, cần cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành các thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng, đưa vào khai thác vận hành một số công trình hạ tầng dịch vụ logistics quan trọng như: 2 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức), cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm), Trung tâm bưu chính, chuyển phát (tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) và một số dự án trung tâm tiếp vận trên địa bàn thành phố.
Tiếp đến, phải đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics; nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên những tuyến đường vành đai, kết nối đầu mối gom hàng, kho tập kết, phân phối hàng tại khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp; chú trọng phát triển hệ thống kho bãi, kho bãi chuyên dụng; phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...); phát triển nền tảng số kết nối giữa các chủ hàng, nhà giao vận và khách hàng...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh logistics và liên kết Vùng Thủ đô nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu vận chuyển, phân phối hàng hóa của Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác; tạo điều kiện phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề liên quan đến dịch vụ logistics; khuyến khích, thu hút nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và doanh nghiệp logistics trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại Thủ đô nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc...
Theo ông Đỗ Phan Anh, để vượt qua những khó khăn của giao thông đô thị, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số hiện đại. Bên cạnh đó, cần triển khai có hiệu quả Đề án giao thông thông minh, phối hợp xây dựng cơ chế kiểm soát đơn vị vận tải hàng hóa và chính sách khuyến khích đổi mới, nâng cao chất lượng phương tiện vận tải hàng hóa, chuyển đổi phương thức vận chuyển thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần hình thành sàn giao dịch chung cho các phương thức vận tải, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giúp kết nối các phương thức vận tải hàng hóa nhằm tối ưu hóa vận tải hàng hóa hai chiều.