Hà Nội: Công nghệ tái chế nguội bảo trì đường bộ(Thứ sáu, 21/07/2017 09:56 GMT+7)
Sở GTVT Hà Nội vừa phối hợp với Công ty cổ phần Hoàng An thử nghiệm công nghệ tái chế nguội trong bảo trì đường bộ. Quá trình thử nghiệm cho kết quả đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, thì chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ này cao, phải sử dụng nhiều máy móc, mặt bằng thi công rộng và thực tế chưa phù hợp với công tác duy tu nhỏ lẻ.
Công nghệ tái chế nguội mang đến giải pháp hiệu quả trong bảo trì đường bộ
Tiết kiệm thời gian, tăng chất lượng
Cuối tháng 6/2017, Sở GTVT Hà Nội và Công ty cổ phần Hoàng An đã thử nghiệm công nghệ tái chế nguội trong bảo trì đường bộ trên tuyến đường Yên Phụ, hướng từ cầu Long Biên đi đường Thanh Niên với chiều dài khoảng 400m. Đây là công nghệ cào bóc tái chế của Hãng Writgen - CHLB Đức, sử dụng máy cào bóc bê tông nhựa 3800CR, dùng phụ gia là bitum bọt và xi măng; thành phần hạt cấp phối của hỗn hợp tái chế nguội nhỏ hơn (do chỉ cào bóc lớp bê tông nhựa); chiều sâu cào bóc tái chế từ 15 đến 18cm, có buồng để trộn bitum bọt, nước, xi măng và có băng tải để chuyển hỗn hợp đến máy rải thảm.
Dây chuyền thi công có chiều dài tối thiểu là 60m, chiều rộng là 4m, gồm bộ máy tái chế và một số máy chủng loại khác. Sau khi cào bóc, vật liệu được tái chế dùng rải lại phần móng đường lớp trên và mặt đường vừa cào bóc, tiếp theo là rải một lớp bê tông nhựa nóng mới theo tiêu chuẩn có chiều dày 3-4cm tùy theo yêu cầu về cường độ và cao độ mặt đường phù hợp.
Theo ghi nhận tại hiện trường, dàn máy làm đường gồm 8 chiếc, được vận hành theo thứ tự: Xe rải xi măng, xe tưới nước, xe rải nhựa, máy tái chế nhựa đường, máy rải nhựa đường và 3 chiếc xe lu làm phẳng mặt đường. Sau các công đoạn cào bóc, tái chế và rải nhựa đường, các kỹ sư cẩn thận đo tỷ lệ chênh lệch giữa phần nhựa vừa rải so với mặt đường cũ, để sao cho sau khi lu, mặt đường sẽ bằng với mặt đường cũ...
Ông Hoàng Quốc Thêm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng An cho biết, đây là dàn máy tối ưu nhất cho Việt Nam trong thi công công trình giao thông và bảo trì đường bộ hiện nay. Ưu điểm của dàn máy là tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường. Chất lượng thi công của dàn máy hơn công nghệ cũ 1,3-1,5 lần.
Chưa phù hợp với duy tu nhỏ lẻ
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, quá trình thực hiện thử nghiệm trên tuyến đường Yên Phụ vừa qua đã tuân thủ theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, là: Cải tạo, sửa chữa mặt đường không được tăng “cốt” cao độ của mặt đường cũ; tận dụng và giảm thiểu vận chuyển nguyên vật liệu cũ đổ đi, qua đó giảm tối đa tác hại đối với môi trường. Công nghệ mới này cũng đã được Bộ GTVT cho phép thí điểm. Qua thử nghiệm, có thể nói kết quả được đánh giá đạt chất lượng yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi triển khai thử nghiệm ngoài hiện trường, Công ty cổ phần Hoàng An đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GT-VT thực hiện các thí nghiệm để có báo cáo trong thời gian tới.
Ông Ngô Mạnh Tuấn đánh giá, đây là phương pháp tiên tiến, có tiềm năng, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, phù hợp với công tác sửa chữa mặt đường với khối lượng lớn; tận dụng được vật liệu cũ, giảm thiểu nhân công; nhanh chóng đưa tuyến đường vào lưu thông ngay sau khi thi công 3 giờ...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, theo ông Ngô Mạnh Tuấn, việc sử dụng công nghệ này cần phải xem xét một số vấn đề như: Chi phí đầu tư ban đầu cao, phải sử dụng nhiều máy móc thi công cùng một lúc, chiều dài dây chuyền máy thi công khoảng 60m; mặt bằng thi công phải đủ rộng, do đó chưa phù hợp với công tác duy tu nhỏ lẻ.