Viện Khoa học và Công nghệ GTVT: Tổ chức tổng kết công tác năm 2017(Thứ sáu, 29/12/2017 11:00 GMT+7)
Sáng 29/12, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Khang phát biểu tại Hội nghị.
Năm 2017, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã tập trung nghiên cứu các vấn đề KHCN theo yêu cầu của thực tế sản xuất trong ngành GTVT, Trong đó, đã thực hiện các nghiên cứu như: Nghiên cứu chế tạo hệ thống giám sát tự động và điều khiển tập trung cho thiết bị tín hiệu đường ngang; Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy luồn cáp dự ứng lực phục vụ thi công cầu bê tông cốt thép dự ứng lực ở Việt Nam; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy thử mỏi tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực phục vụ sửa chữa nâng cấp hệ thống đường sắt Việt Nam; Nghiên cứu hệ thống thông tin cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng trong giao thông đường bộ; Nghiên cứu ứng dụng mặt đường bán mềm (Semi-Flexible Pavement) trong xây dựng đường ô tô tại Việt Nam; Nghiên cứu các phương pháp tính toán thiết kế mặt đường mềm của các nước trên thế giới và đề xuất hướng áp dụng phù hơp trong điều kiện của Việt Nam;... Bên cạnh đó, Viện cũng đã biên soạn và đã được Bộ KHCN ban hành 14 TCVN.
Cùng với việc xây dựng các TCVN, Viện cũng chú trọng tới việc việc biên soạn và đề xuất ban hành 01 Quy định/Chỉ dẫn kỹ thuật cũng như tiếp tục cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện có trong nước và trên thế giới; rà soát và đánh giá; đề xuất điều chỉnh, chuyển đổi và xây dựng mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của ngành GTVT theo chuyên ngành Đường sân bay, Cơ khí, Tự động hóa - Đo lường nhằm tăng cường quản lý chất lượng thiết kế và thi công hạ tầng GTVT và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tế sản xuất của ngành.
Ngoài ra, Viện đã và đang tích cực nghiên cứu để hoàn thiện các vật liệu mới, các công nghệ mới trong thi công xây lắp kết cấu hạ tầng giao thông với một số hoạt động nổi bật như: Thử nghiệm vật liệu nhựa đường đá Buton — BRA của Indonesia; Thử nghiệm công nghệ Micro-surfacing theo công nghệ của Tập đoàn Colas (Cộng hòa Pháp) với Công ty TNHH Cung ứng nhựa đường ADCo; Thử nghiệm vật liệu tái chế nguội tại chỗ sử dụng hỗn hơp Polime PT2A; Đánh giá tổng kết việc áp dụng thí điểm lớp phủ siêu mỏng tạo nhám tại các Dự án mở rộng QL1 (Kml 125+00 - Kml265+00), qua địa bàn tỉnh Bình Đình, Phú Yên...
Thiết kế chế tạo thiết bị kiểm tra gối cầu 5.000 tấn
Cũng trong năm 2017, thực hiện nhiệm vụ Bộ GTVT giao, Viện đã tiến hành công tác nghiên cứu, đánh giá, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục những vấn đề kỹ thuật tại các công trình như: gói thầu J1, J2, J3 Bến Lức - Long Thành; đề xuất lựa chọn kết cấu dầm bản cho cầu FC03 thuộc dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi; kiểm tra vết nứt dầm ngang đỉnh trụ cầu Vàm Cống; giám định sự cố kỹ thuật cầu Ngòi Thia; đánh giá lựa chọn lớp gia cố dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đề xuất khắc phục sự cố bão lũ qua tỉnh Bình Định; giám định chất lượng thi công đê bao khu đổ đất phía bắc Ninh Cơ - Nam Định;...
Toàn cảnh Hội nghị
Bước sang năm 2018, để đứng vững trong cơ chế mới cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia và cấp Bộ năm 2017, 2018 đảm bảo tiến độ và chất lượng theo đề cương được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức đề xuất và đăng ký tuyển chọn các nhiệm vụ KHCN và Môi trường cấp Quốc gia và cấp Bộ GTVT năm 2019; Tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng, chuyển đổi tiêu chuấn, quy chuẩn của ngành GTVT, trong đó tập trung điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp nhằm giảm giá thành xây dựng; Chủ trì biên soạn và trình Bộ KHCN ban hành từ 10-15 TCVN. Biên soạn và trình Bộ GTVT ban hành từ 03-05 Quy định ứng dụng về công nghệ mới - vật liệu mới trong ngành GTVT. Bên cạnh đó, Viện cũng sẽ xây dựng và trình các Bộ ngành, các địa phương kế hoạch KHCN của Viện năm 2019 và định hướng cho các năm tiếp theo. Tập trung hoàn thiện thủ tục đăng ký 01 sáng chế cho “Hệ thống giám sát tự động và điều khiển tập trung cho thiết bị tín hiệu đường ngang” là sản phẩm nghiên cứu của đề tài cấp Quốc gia "Nghiên cứu chế tạo hệ thống giám sát tự động và điều khiển tập trung cho thiết bị tín hiệu đường ngang”, mã số ĐTĐL.CN-47/16.
Nghiên cứu chế tạo máy thử mỏi tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực
Trong năm 2018, bên cạnh việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác truyền thống để triển khai các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, Viện cũng sẽ tiếp tục mở rộng tìm kiếm các đối tác mới trong và ngoài nước để mở rộng hợp tác. Về lĩnh vực đường bộ, Viện sẽ chủ động liên hệ và làm việc với các đối tác nước ngoài như Viện Nghiên cứu quốc gia về đất và quản lý hạ tầng Nhật Bản (NILIM), Viện Công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT), Công ty TNHH OVM (Trung Quốc), Công ty ACE Geosynthetics Inc, Đài Loan, (Trung Quốc), Công ty cổ phần FECON, Tập đoàn viễn thông Viettel, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để nghiên cứu các vấn đề về kiểm định, đánh giá chất lượng cầu, các vật liệu mới cho kết cấu đường, về giao thông thông minh, trạm thu phí không dừng, về thiết bị căng kéo tự động, về khảo sát thiết kế công trình phòng chống trượt đất. Về lĩnh vực đường sắt, Viện chủ động liên hệ và làm việc với Viện nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc (KRRI), Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Viện Ứng dụng công nghệ - Bộ Khoa học công nghệ về định hướng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về đường sắt và xây dựng phòng thí nghiệm về đường sắt tại Viện.
Ngoài ra, trong lĩnh vực cảng đường thủy, Viện cũng tiếp tục hợp tác với Viện Nghiên cứu quốc gia về đất và quản lý hạ tầng Nhật Bản (NILIM), Viện Phát triển ven biển Nước ngoài Nhật Bản (OCDI), Cục Hàng hải Việt Nam để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về cảng biển.
DT