Ứng dụng nhiều công nghệ vào bảo trì đường bộ(Thứ ba, 27/03/2018 09:55 GMT+7)
Thời gian qua, hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam được đầu tư phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên trong quá trình khai thác, nhiều tuyến đường, cầu đã xuống cấp, hư hỏng cần bảo trì kịp thời. Nhằm đưa ra các giải pháp sửa chữa bảo trì tăng cường mặt đường, ngành Đường bộ đã ứng dụng nhiều công nghệ mới vào công tác bảo trì.
Nhiều công nghệ được ứng dụng
Nhằm nâng cao chất lượng bảo trì, ngành GTVT, đặc biệt là ngành Đường bộ đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, định mức kỹ thuật, định mức quản lý, vận hành và bảo trì công trình đặc biệt, quy trình quản lý, vận hành và bảo trì hầm, tổ chức nghiệm thu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.
Để áp dụng thành công nhiều công nghệ mới cho các công trình, Ngành đã ứng dụng mới vào quản lý, bảo trì đường bộ như: Hợp tác với JICA trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực bảo trì giai đoạn II với các nội dung: Khảo sát đánh giá tình trạng mặt đường tại 4 cục quản lý đường bộ (QLĐB); xây dựng hệ thống PMS về quản lý tình trạng mặt đường và lập kế hoạch bảo trì dựa trên kết quả khảo sát mặt đường và dự đoán mô hình xuống cấp, dự kiến sẽ vận hành thí điểm năm 2018; thử nghiệm công nghệ chống thấm mặt cầu của Nhật Bản (viện trợ không hoàn lại) tại QL18 đoạn qua Quảng Ninh đã thành công; ứng dụng công nghệ trám vá vết nứt và vá “ổ gà” nông (viện trợ không hoàn lại do các chuyên gia Nhật Bản thực hiện) tại QL10 và đường Hồ Chí Minh đang theo dõi; xây dựng các sổ tay phục vụ quản lý, bảo trì đường bộ và đường cao tốc.
Bên cạnh đó, Ngành đang hoàn chỉnh khung cơ sở dữ liệu toàn bộ các công trình đường bộ để thu thập dữ liệu trong khuôn khổ Dự án VRAMP; triển khai thi công thí điểm công nghệ bảo trì dự phòng bằng vật liệu Microsufacing tại QL2, đường Hồ Chí Minh, QL49, QL54, QL61. Bên cạnh việc mở rộng công nghệ cào bóc tái chế nguội móng mặt đường bê tông nhựa đã được Bộ GTVT ban hành quy định kỹ thuật từ năm 2016, năm 2017 đã triển khai thí điểm công nghệ cào bóc tái chế lớp mặt đường bê tông nhựa tại đường Hồ Chí Minh, bước đầu xác định bảo đảm chất lượng.
Các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực ATGT cũng đã được triển khai áp dụng. Tổng cục ĐBVN đã áp dụng cải tiến sơn giảm tốc dạng vạch đơn liên tục, vạch mắt võng nâng cao ATGT; sử dụng cột hộ lan hình Z để tăng khả năng ATGT; sử dụng lớp phủ tạo nhám và màu trong xử lý điểm đen về ATGT; sử dụng cọc tiêu phản quang, đinh phản quang; áp dụng công nghệ thiết bị trong thi công, kiểm tra cầu đường; nghiên cứu, đề xuất giải pháp để các nhà sản xuất, chế tạo xe kiểm tra cầu dạng robot (hiện nay đã vận hành và trang bị cho cầu Vĩnh Thịnh, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện).
Nhằm tăng cường, hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc nâng cao chất lượng bảo trì hệ thống đường bộ, Tổng cục ĐBVN đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới thí điểm công nghệ thu thập dữ liệu bằng thiết bị di động và phân tích dữ liệu địa lý không gian phục vụ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ tại Thanh Hóa và Lào Cai; ứng dụng công nghệ của Thụy Sỹ, Đài Loan... trong phòng chống sụt trượt mái và nền đường; đưa công nghệ vật liệu vữa VMAT mác cao do Trường Đại học Thủy lợi nghiên cứu trong sửa chữa cầu.
Đưa cộng nghệ 4.0 vào quản lý, khai thác
Nắm bắt và ứng dụng kịp thời cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác bảo trì đường bộ, Ngành đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước như: Xây dựng mới hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc cầu dây văng và đã kết nối được với 4 cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Bãi Cháy, Kiền; triển khai cho các sở GTVT cập nhật được khoảng 3.000 cầu lên hệ thống quản lý cầu địa phương; triển khai cho các dự BOT cập nhật cầu lên hệ thống quản lý cầu trên quốc lộ; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý mặt đường PMS để chạy thử công tác lập kế hoạch bảo trì mặt đường; xây dựng mới hệ thống quản lý văn bản, điều hành văn bản cho toàn bộ các đơn vị trực thuộc Ngành; xây dựng phần mềm số hóa hồ sơ công trình đường bộ; xây dựng mới trung tâm dữ liệu đường bộ.
Tổng cục ĐBVN đã chủ động mời Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, Trường Đại học GTVT, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Công nghệ GTVT, các viện nghiên cứu tham gia thiết kế, thẩm tra, hướng dẫn ứng dụng công nghệ bảo trì, đánh giá hư hỏng, xuống cấp các công trình cầu lớn; kiểm tra, đánh giá sạt lở ven quốc lộ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với Trường Đại học GTVT tổ chức thành công Hội thảo Công nghệ sửa chữa bảo trì cầu năm 2017