Vĩnh Phúc: Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng các công trình giao thông(Thứ ba, 19/06/2018 09:37 GMT+7)

Thời gian qua, ngành GTVT Vĩnh Phúc đã tích cực ứng dụng các loại vật liệu mới, đưa máy móc hiện đại vào thi công để nâng cao chất lượng các công trình giao thông đường bộ, đảm bảo tính bền vững trong quá trình khai thác, sử dụng các công trình giao thông, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.


Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh  Vĩnh Phúc có hơn 4.150 km đường bộ, trong đó có 4 tuyến Quốc lộ với chiều dài hơn 115 km, 26 tuyến đường tỉnh với chiều dài trên 360 km, gần 60 km đường đô thị do Sở GTVT quản lý, gần 700 km đường huyện, trên 1.200 km đường xã và gần 1.700 km đường thôn xóm.

Nhiều công trình, dự án giao thông cầu, đường trên địa bàn  Vĩnh Phúc
được thi công bằng vật liệu Carboncore Asphalt với độ bền và khả năng chống thấm cao,
có thể thi công trong mọi điều kiện thời tiết. Ảnh: Chu Kiều

Nhận thức được việc xây dựng, phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông sẽ tạo điều kiện rất tốt cho kinh tế của tỉnh, Sở GTVT  Vĩnh Phúc đã ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng cầu, đường để giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ, bảo dưỡng sửa chữa mặt đường như: Công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ của Wirtgen (Đức), Hall-Brother (Mỹ) và Sakai (Nhật Bản) được đánh giá có nhiều ưu điểm như: Sử dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, thời gian thi công nhanh và không làm thay đổi nhiều về cao độ mặt đường (có lợi thế lớn trong các khu đô thị), có lợi ích lớn về mặt môi trường, giảm giá thành và được áp dụng rộng rãi trên các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Ngành tăng cường sử dụng vật liệu Carboncore Asphalt với lợi thế chi phí thấp, thi công nhanh và đơn giản. Ứng dụng nhũ tương nhựa đường axit sử dụng trong sửa chữa, đảm bảo giao thông được đánh giá phù hợp thời tiết ẩm ướt của miền Bắc nước ta. Đưa vào ứng dụng sơn nhiệt dẻo hiệu năng cao có khả năng phản quang ngay cả khi mặt đường bị ướt vào hệ thống báo hiệu đường bộ và an toàn giao thông

Được khởi công năm 2012 và hoàn thành vào năm 2016, dự án cải tạo nâng cấp đường liên xã từ UBND xã Yên Dương đi ngã ba ĐT.302 (thôn Tân Tiến, xã Đại Đình) có tổng chiều dài 2,6 km do UBND huyện Tam Đảo làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 33 tỷ đồng.

Để đảm bảo chất lượng công trình, nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Việt An đã huy động máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ rải thảm mặt đường bằng Carboncore Asphalt, từ đó làm giảm tốc độ xuống cấp của con đường.

Đánh giá về chất lượng của công trình dự án cải tạo nâng cấp đường liên xã từ UBND xã Yên Dương đi ngã ba ĐT.302 (thôn Tân Tiến, xã Đại Đình) sau khi thi công, bàn giao đi vào sử dụng cho đến nay, đồng chí Nguyễn Đức Công, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Xây dựng và Giải phóng mặt bằng Tam Đảo cho biết: Thời gian qua, việc triển khai ứng dụng kết cấu mới, công nghệ mới, vật liệu mới phù hợp trong thi công, sửa chữa, cải tạo nâng cấpcông trình giao thông được các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn quan tâm đúng mức.

Trong quá trình thi công, công trình thi công đảm bảo các yêu cầu về chất lượng theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và thay đổi những thiết kế đã được chấp thuận; đảm bảo chất lượng theo đúng quy định hiện hành; đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đề ra.

Đặc biệt là việc áp dụng rải thảm mặt đường bằng Carboncore Asphalt đối với tuyến đường liên xã với nhiều ưu điểm vượt trội như: Có thể thi công trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả khi mưa phùn và độ ẩm cao mà đến nay, sau 2 năm được bàn giao đi vào sử dụng tuyến đường vẫn có độ bền và khả năng chống thấm cao, chưa hề có dấu hiệu của sự xuống cấp hoặc mặt đường biến dạng, lồi lõm.

Thời gian tới, Sở GTVT  Vĩnh Phúc tiếp tục ứng dụng các loại vật liệu, công nghệ mới phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế; chủ động tiếp cận những công nghệ mới phục vụ phát triển giao thông vận tải hiện đại trong tương lai; ứng dụng vật liệu mới trong làm mặt đường để giảm kết cấu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tuổi thọ cao.

Xây dựng lại định mức kĩ thuật, đơn giá theo hướng năng suất để tạo điều kiện thông thoáng cho các đơn vị ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công trình, dự án. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ khoa học công nghệ và các doanh nghiệp khác trong ngành GTVT đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào thực tế sản xuất, góp phần quan trọng trong việc thực hiện "Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành GTVT giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030" và “Đề án Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013- 2020”.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc