40 quốc gia thống nhất bắt buộc các hãng xe trang bị hệ thống phanh tự động khẩn cấp(Thứ ba, 19/02/2019 09:10 GMT+7)
40 quốc gia, dẫn đầu là Nhật Bản và EU, muốn từ năm sau, các mẫu xe du lịch và xe thương mại hạng nhẹ đời mới phải được trang bị hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB).
Dù Diễn đàn Liên Hợp Quốc đã thông qua quy định này, nhưng 3 nước thành viên khác là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đều không tham gia vào các cuộc đàm phán để đảm bảo ngành công nghiệp ô tô tại các nước này sẽ không chịu tác động từ quy định chung.
An toàn là ưu tiên hàng đầu
Khi được lắp đặt hệ thống phanh khẩn cấp tự động AEB, tính an toàn của những chiếc xe mới sẽ tăng rất nhiều khi lưu thông trên đường, đặc biệt là tại các thành phố. Chỉ riêng tại Liên minh châu Âu, đã có hơn 9.500 trường hợp tử vong do xe hơi được ghi nhận trong năm 2016, chiếm 38% tổng số ca tử vong xảy ra trên đường. Tại khu vực thành thị, 50% số người thiệt mạng là lái xe và 40% là người đi bộ.
Vậy quy định mới sẽ làm tăng tính an toàn của xe hơi khi lưu thông trên đường như thế nào? Theo nghiên cứu của EuroNCAP và Australasian NCAP (Chương trình đánh giá xe mới của châu Âu và Australia), các hệ thống phanh AEB sẽ làm giảm 38% số vụ va chạm từ phía sau xe với tốc độ thấp. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu ước tính rằng hệ thống này có thể cứu sống hơn 1.000 mạng người mỗi năm, chỉ tính riêng trong Liên minh châu Âu.
40 quốc gia thống nhất bắt buộc các hãng xe trang bị hệ thống phanh tự động khẩn cấp - 2
Quy định mới của Liên Hợp Quốc sẽ áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt và phù hợp với các nước khi sử dụng hệ thống phanh tự động khẩn cấp ở tốc độ thấp, cụ thể là 60km/h hoặc thấp hơn. Các yêu cầu này sẽ chỉ áp dụng với ô tô được bán tại các thị trường mà chính phủ nước đó đã ký dự thảo. Điều này cũng có nghĩa là chủ sở hữu phương tiện hiện có sẽ không phải trang bị thêm AEB theo bất kỳ cách nào, mặc dù hệ thống này đã có sẵn trên một số loại xe tại một vài quốc gia.
Các bước tiếp theo
Dự thảo Quy định đã được phê duyệt bởi Ủy ban về các phương tiện tự động hóa/tự lái và kết nối (GRVA) thuộc Diễn đàn Thế giới của UNECE về hài hòa tiêu chuẩn phương tiện. Bước tiếp theo sẽ là đệ trình dự thảo lên Diễn đàn Thế giới để xem xét và dự kiến chính thức thông qua vào tháng 6 tới.
Sau khi được thông qua, Quy định mới về AEB sẽ có hiệu lực đầu tiên tại Nhật Bản từ năm 2020, sau đó sẽ trở thành bắt buộc đối với tất cả các xe ô tô mới và xe thương mại hạng nhẹ từ năm 2022 (bao gồm cả EU).
Đối với Mỹ, chính phủ nước này đã có một thỏa thuận với 20 nhà sản xuất ô tô rằng tất cả các phương tiện mới đều nên sẵn sàng trang bị hệ thống AEB từ tháng 9 năm 2022. Tuy nhiên, yêu cầu này là không bắt buộc.
Mặc dù vậy, 4 trong số 20 hãng xe là Tesla, Mercedes-Benz, Toyota và Volvo, đã triển khai các hệ thống phanh đúng theo tiêu chuẩn trên hơn một nửa các mẫu xe. Theo thống kê, 28% số các mẫu xe năm 2019 tại Mỹ có tính tăng phanh khẩn cấp tự động theo đúng chuẩn và 36% sẽ được tùy chọn bổ sung.
Theo Dân trí, Carscoops