Áp dụng kỹ thuật mới sửa chữa mặt cầu Thuận Phước (Thứ ba, 08/10/2019 10:46 GMT+7)

Hiện nay, Ban Quản lý dự án Xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông Đà Nẵng đang triển khai sửa chữa, bảo trì 2 làn biên chính mặt cầu Thuận Phước. Ở lần sửa chữa này, đơn vị áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới nhằm tăng khả năng hoạt động của bê tông nhựa trên dầm hộp thép.


Đơn vị thi công hàn các neo thép vào bề mặt dầm hộp thép của mặt cầu Thuận Phước.

Do tính chất đặc biệt của kết cấu bề mặt nhịp chính cầu Thuận Phước là lớp phủ bê tông nhựa trên dầm hộp thép, nên kể từ khi xây dựng cầu đến nay, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới và vật liệu mới để lớp bê tông nhựa có tuổi thọ khai thác lâu, bền là một bài toán hóc búa.

Các đơn vị chức năng đã áp dụng nhiều giải pháp, công nghệ mới nhưng thực tế, sau một thời gian khai thác, mặt cầu Thuận Phước (tại nhịp giữa) không đẹp như ở cầu dẫn 2 đầu (phủ bê tông nhựa lên bề mặt bê tông cốt thép), thậm chí, mặt đường còn bị dính chặt nhiều loại rác thải và bị “gợn sóng”.

Giải pháp kỹ thuật áp dụng trong lần sửa chữa này được nghiên cứu từ 5 tháng trước, sau khi có chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng về sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thuận Phước. Đến cuối tháng 7/2019, Sở Giao thông vận tải đã phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Tiếp đó, trong quá trình chuẩn bị triển khai thi công, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông Đà Nẵng (Ban QLDA) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thí nghiệm.

Sau khi tiến hành thí nghiệm và cho kết quả tốt, Sở Giao thông vận tải mới cho phép khởi công công trình sửa chữa, bảo trì 2 làn biên cầu chính mặt cầu Thuận Phước vào cuối tháng 9/2019.

Theo Ban QLDA, biện pháp kỹ thuật được áp dụng để sửa chữa 2 làn biên và 2 làn giữa của mặt cầu Thuận Phước là cào, bóc toàn bộ lớp phủ mặt cầu, vệ sinh sạch sẽ rồi hàn các neo thép với khoảng cách từ 40-50cm/neo.

Tiếp đó, đơn vị thi công trải lưới thép mạ kẽm ô lục giác rồi tưới nhựa polime PMB-III (liều lượng 0,8kg/m2) và phủ lớp bê tông nhựa chặt polime PMB-III có cốt sợi thủy tinh dày 4cm (lớp đầu tiên bê tông nhựa đầu tiên); tiếp tục tưới nhựa polime PMB-III (liều lượng 0,4kg/m2) cho dính bám rồi trải lưới sợi thủy tinh cường độ cao và phủ lớp bê tông nhựa polime PMB-III có cốt sợi thủy tinh dày 4cm (lớp trên cùng).

Theo ông Trương Bằng Linh, Giám đốc Ban QLDA, do tính chất đặc biệt của kết cấu bề mặt nhịp chính cầu Thuận Phước là lớp phủ bê tông nhựa trên dầm hộp thép nên giải pháp thi công được kết hợp nhiều giải pháp kỹ thuật mới nhằm tăng khả năng hoạt động của bê tông nhựa trên dầm hộp thép.

Theo đó, lớp bê tông nhựa polime có cốt sợi thủy tinh có khả năng kháng uốn, kháng trượt và kháng lún vệt bánh xe cao, áp dụng ở các khu vực nhiệt độ mặt đường cao, nhất là tại mặt cầu Thuận Phước vì luôn có nhiệt độ cao do kết cấu dầm hộp thép.

Lớp lưới sợi thủy tinh có cường độ cao nằm giữa hai lớp bê tông nhựa polime nhằm tăng cường tính kháng cắt lớp bê tông nhựa (do dầm hộp thép co giãn nhiệt lớn làm cho 2 lớp bê tông nhựa cũng co giãn theo nên tạo lực cắt lớn).

Đồng thời, lưới sợi thủy tinh cũng làm tăng sức bền kháng trượt trong trường hợp các phương tiện giao thông thắng gấp hoặc chạy chậm trên lớp bê tông nhựa. Lớp lưới thép mạ kẽm ô lục giác tăng cường tính dính bám và khả năng chống trượt giữa lớp bám dính và lớp bê tông nhựa.

Lớp nhựa dính bám polime PMB- III có độ đàn hồi cao và đặc biệt là có tính năng hồi phục lại độ dính bám sau khi bị phá hoại. Việc hàn các neo thép vào bề mặt dầm thép là nhằm tăng cường khả năng chống trượt, xô dồn cho lớp phủ mới trên dầm hộp thép sau khi đào bỏ toàn bộ lớp bê tông nhựa cũ.

Nguồn: Báo Đà Nẵng