Toyota có thể sản xuất nhiên liệu hydro tại Việt Nam(Thứ hai, 30/10/2023 16:01 GMT+7)

TOKYO - Lãnh đạo Tập đoàn ô tô Toyota đánh giá Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể tạo ra hydro sạch sử dụng cho ô tô.


Sản xuất khí hydro từ khí sinh học

Để tiếp tục đạt được mục tiêu trung hòa carbon trên khắp châu Á với ý tưởng sử dụng các nguồn năng lượng sẵn có tại địa phương, Công ty kỹ thuật và sản xuất Toyota Daihatsu (TDEM) cho biết cỗ máy đầu tiên sản xuất hydro từ khí sinh học ở trang trại gà tại Thái Lan sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 10/2023.

Việt Nam hoàn toàn sản xuất được hydro cho ô tô - Ảnh 1.

Thiết bị sản xuất hydro có nguồn gốc từ khí sinh học.

Cỗ máy này được cung cấp năng lượng xanh từ các tấm pin mặt trời, phản ánh cam kết của Toyota luôn tập trung vào toàn bộ các hoạt động trong vòng đời sản phẩm (LCA) thông qua tất cả các sáng kiến môi trường. 

Toyota hiểu rằng để thực sự đạt được trung hòa carbon, điều cần thiết là phải liên tục giảm lượng khí thải CO2 trong toàn bộ quá trình sản xuất, vận chuyển và sử dụng năng lượng.

Trước đó vào tháng 12/2022, Tập đoàn ô tô Toyota (TMC), CJPT và Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) đã công bố ý định hợp tác về các sáng kiến góp phần trung hòa carbon ở Thái Lan. Do đó, thiết bị sản xuất hydro có nguồn gốc từ khí sinh học này đang sử dụng khí sinh học nguồn gốc từ chất thải trang trại, được sản xuất hàng ngày tại trang trại gia cầm của CP.

Hydro được sản xuất sẽ sử dụng vào hoạt động hậu cần dành cho xe tải hydro chạy đường dài, góp phần vào việc không phát thải trong vận chuyển hạng nặng. Trong một thử nghiệm ban đầu, máy sẽ xử lý khí sinh học thành hydro với công suất 2kg/ngày.

Việt Nam hoàn toàn sản xuất được hydro cho ô tô - Ảnh 2.

Ông Masahiko Maeda, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của TMC.

Tại buổi họp báo trước thềm Japan Mobility Show 2024, ông Masahiko Maeda, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của TMC nhận xét: "Tôi rất vui mừng khi thấy rằng dự án của chúng tôi với tập đoàn CP đang tiến triển tốt. Thiết bị sản xuất hydro có nguồn gốc từ khí sinh học này là một cột mốc quan trọng khác trên hành trình của chúng tôi hướng tới việc đạt được trung hòa carbon trên toàn khu vực châu Á.

Trong dự án này, tất cả các bên đều cam kết giới thiệu những gì có thể làm để mang lại sự tự do di chuyển cho tất cả mọi người bằng các công nghệ trung hòa carbon thực tế và thiết thực, sử dụng thế mạnh của từng quốc gia".

Ông Tiền Quốc Hào, Giám đốc điều hành Toyota khu vực châu Á, Chủ tịch Toyota châu Á - Thái Bình Dương tin tưởng Việt Nam có nguồn nông nghiệp mạnh, tương lai có thể sản xuất khí hydro.

"Việt Nam có rất nhiều cơ hội để làm chuyện này. Trước đây, tôi có làm việc với một doanh nghiệp ở TP.HCM về lọc dầu, họ đã tạo ra hydro nhưng độ tinh khiết chưa cao.

Việt Nam có lợi thế đường biển rất dài, việc vận chuyển hydro bằng đường biển cũng thuận tiện. Tuy nhiên, thời gian đầu đòi hỏi nhiều chi phí nên cần thời gian và dung lượng thị trường đủ tốt để giảm giá thành", ông Hào nói thêm.

Việt Nam hoàn toàn sản xuất được hydro cho ô tô - Ảnh 3.

Các sản phẩm điện khí hóa của Toyota.

Lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị trường

Đại diện Toyota châu Á cho biết ở thời điểm hiện tại, dải sản phẩm ô tô điện khí hóa của hãng tương đối đầy đủ khi có cả xe HEV, PHEV, BEV, FCEV… Để giảm phát thải thì một công nghệ thôi là không đủ. Các công nghệ thân thiện môi trường cần được chú trọng.

Bởi vậy, tùy vào điều kiện của từng thị trường, Toyota cân nhắc các yếu tố về kinh tế, năng lượng, cơ sở hạ tầng và nhu cầu sử dụng để đưa ra cách tiếp cận toàn diện. Tại Đông Nam Á, xe HEV ở thời điểm hiện tại vẫn đang là sự lựa chọn tốt nhất.

Ngoài nghiên cứu ra các công nghệ xe xanh, Toyota cũng hướng tới sự đa dạng trong cách thức di chuyển. Đồng thời, khám phá các giải pháp di chuyển thay thế, đảm bảo sự hòa nhập cho những cá nhân có khả năng và thể chất khác nhau, bao gồm cả người già hoặc người khuyết tật.

Việt Nam hoàn toàn sản xuất được hydro cho ô tô - Ảnh 4.

Lãnh đạo Toyota châu Á cho biết tuỳ vào điều kiện từng thị trường sẽ lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Toyota đang không ngừng nâng cao các giải pháp kết nối để giúp cuộc sống của khách hàng cá nhân và khách hàng mua buôn trở nên dễ dàng hơn bằng cách cung cấp các giải pháp như hướng dẫn hành vi lái xe, theo dõi chống trộm hoặc tối ưu hóa tuyến đường. Những giải pháp này cũng có thể được tích hợp vào cơ sở hạ tầng như mạng lưới năng lượng cho xe điện hoặc thậm chí tối ưu hóa cơ sở hạ tầng công cộng như đèn giao thông.

Toyota nhận thấy rằng vận tải hiệu quả, đặc biệt là đối với các phương tiện thương mại, góp phần đáng kể vào việc giảm lượng khí thải carbon.

Nguồn: Báo Giao thông