Các bộ tiêu chuẩn đo tầm hoạt động của xe điện(Thứ sáu, 14/06/2024 08:48 GMT+7)

Hiện nay, có bốn tiêu chuẩn kiểm tra thông dụng nhất về tầm hoạt động của xe điện được sử dụng trên toàn thế giới, bao gồm EPA, WLTP, NEDC và CLTC.


Tiêu chuẩn NEDC và WLTP

NEDC và WLTP đều được thông qua bởi Ủy ban Kinh tế Liên hiệp quốc về châu Âu (UNECE). NEDC (New European Driving Cycle) là chu kỳ lái xe châu Âu mới, còn WLTP (Worldwide Harmonised Light Vehicle Test Procedure) là quy trình kiểm tra đồng bộ cho xe hạng nhẹ toàn cầu.

Trong đó, NEDC có tuổi đời rất lâu, được giới thiệu trong thập kỷ 80 (thế kỷ XX). 

Ban đầu NEDC dùng để đo quãng đường di chuyển, mức tiêu hao nhiên liệu của ô tô xăng, dầu trước khi mở rộng sang đo lường xe ô tô điện.

Với vai trò thay thế NEDC, tiêu chuẩn WLTP được áp dụng từ tháng 1/1/2019. WLTP cung cấp các đánh giá tiêu thụ nhiên liệu cho xe chạy xăng, dầu, điện và lai điện (hybrid). 

Các bộ tiêu chuẩn đo tầm hoạt động của xe điện- Ảnh 1.

Hai mẫu SUV VF8 và VF9 của nhà Vinfast công bố số liệu quãng đường đi được theo tiêu chuẩn WLTP.

Sự khác biệt của hai tiêu chuẩn này là thời gian thử nghiệm. Nếu NEDC gồm 1 giai đoạn kéo dài 20 phút thì WLTP có 4 giai đoạn với cường độ từ thấp đến cao, diễn ra trong 30 phút.

Tiêu chuẩn WLTP cho phép phương tiện được thu thập thông số vận hành ở 4 dải vận tốc gồm thấp (tối đa từ 49,1-56,5 km/h), trung bình (tối đa từ 64,4-76,6 km/h), cao (tối đa từ 85,2-97,4 km/h) và rất cao (tối đa 131,3 km/h), từ đó cho ra kết quả trung bình.

Tại Việt Nam, một số mẫu xe điện phân phối chính hãng có quãng đường đi được sau mỗi lần sạc đo theo chuẩn NEDC là VinFast VF e34 và VF 5. Hai mẫu SUV VinFast VF 8 và VF 9 công bố số liệu này theo chuẩn WLTP. 

Tiêu chuẩn EPA

EPA là tiêu chuẩn kiểm tra của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency - EPA). Quy trình này có tên Multi-Cycle City/Highway Test Procedure (quy trình kiểm tra thành phố/đường cao tốc nhiều chu kỳ).

Quy trình thử nghiệm bắt đầu bằng việc sạc đầy pin và đỗ xe nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau, EPA sẽ thực hiện quá trình chạy xe, mô phỏng điều kiện thử nghiệm trong thành phố và cao tốc lặp lại nhiều lần cho đến khi xe cạn pin.

Các bộ tiêu chuẩn đo tầm hoạt động của xe điện- Ảnh 2.

Những mẫu xe điện tại Mỹ sẽ sử dụng tiêu chuẩn EPA để đo quãng đường đi được.

Do đó, quãng đường di chuyển của xe điện được cải thiện do hiệu quả về năng lượng pin xe điện phần lớn phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Môi trường quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể làm giảm phạm vi hoạt động của xe điện.

Thêm nữa, các bài thử nghiệm của EPA tập trung vào điều kiện lái xe tại Mỹ. Còn WLTP lại tập trung vào thị trường châu Âu. Vì thế, sự khác nhau về 2 quy chuẩn đo lường này là điều khó tránh khỏi.

Tiêu chuẩn CLTC

Trước kia, các hãng xe điện tới từ Trung Quốc đa phần sử dụng tiêu chuẩn NEDC để ước tính tầm hoạt động của xe điện.

Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã phát triển và đang dần áp dụng phương pháp kiểm tra tầm hoạt động và tiêu hao nhiên liệu mới đối với xe điện dành cho thị trường nội địa, đó là CLTC. Tiêu chuẩn mới này hứa hẹn sẽ đem lại kết quả chính xác hơn so với NEDC.

Các bộ tiêu chuẩn đo tầm hoạt động của xe điện- Ảnh 3.

Tiêu chuẩn CLTC đang được các hãng xe Trung Quốc áp dụng.

Bài kiểm tra theo chuẩn CLTC bao gồm 3 giai đoạn là vận tốc thấp, trung bình và cao. Quá trình kiểm tra kéo dài 30 phút và xe di chuyển quãng đường tổng cộng khoảng 14,5 km. Quy trình của CLTC có thể được xem khá giống với các quy trình tiêu chuẩn của Châu Âu.

Tuy vậy, vẫn có một số khác biệt quan trọng giữa WLTP, NEDC với CLTC, chẳng hạn như quá trình chạy không tải trong khi kiểm tra mức tiêu hao nhiên liệu (tiêu chuẩn CLTC kéo dài hai lần khoảng thời gian này so với NEDC).

Ngoài ra, bài kiểm tra theo tiêu chuẩn CLTC còn bao gồm nhiều khoảng dừng hơn so với WLTP và giới hạn vận tốc kiểm tra của CLTC (114 km/h) thấp hơn đáng kể so với cả NEDC và WLTP.

Theo Báo Giao thông