Chấp thuận đơn đăng ký sáng chế phương pháp thi công hầm của Đèo Cả(Thứ hai, 12/08/2024 08:53 GMT+7)
Sáng chế về phương pháp thi công hầm đường bộ bằng cách tăng không gian tiếp cận kết hợp phun gia cố ngay sau khi đào nhằm tối ưu thời gian thi công và chi phí của Tập đoàn Đèo Cả đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuậnhình thức đơn đăng ký.
Cục Sở hữu trí tuệ vừa ban hành Quyết định số 86294/QĐ-SHTT chấp thuận đơn 2-2024-00005 nộp ngày 3/1/2024 của Tập đoàn Đèo Cả hợp lệ về hình thức với tên sáng chế là phương pháp thi công hầm đường bộ bằng cách tăng không gian tiếp cận kết hợp phun gia cố ngay sau khi đào.
Tập đoàn Đèo Cả thi công hầm trên cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
với phương pháp tăng không gian tiếp cận kết hợp phun gia cố ngay sau khi đào.
Đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp và thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ. Trên cơ sở được chấp thuận hình thức đơn đăng ký, Tập đoàn Đèo Cả có quyền tạm thời đối với sáng chế theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo bản mô tả đính kèm đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích của Tập đoàn Đèo Cả, giải pháp được đăng ký đề cập đến phương pháp thi công hầm đường bộ bằng cách tăng không gian trong thi công hầm, phân chia hầm thành nhiều hầm nhỏ kết hợp với đào gương nghiêng và phun gia cố ngay sau khi khai đào.
Mục đích nhằm rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí và tăng an toàn chịu lực của kết cấu thi công, khắc phục được thiết kế với hình dạng chưa được tối ưu về mặt chịu lực của hầm.
Trên thực tế, giải pháp này đã được Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu, áp dụng trong quá trình thi công hầm tại một số dự án hầm đường bộ như hầm số 2 - Gói thầu XL2, hầm số 1 - Gói thầu XL1 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Nhà thầu đã thi công hầm vượt tiến độ từ 3 - 4 tháng so với kế hoạch đặt ra, đáp ứng yêu cầu về mặt an toàn kết cấu chịu lực, an toàn thi công, chất lượng dự án và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Là doanh nghiệp tiên phong trong thi công hầm đường bộ, Tập đoàn Đèo Cả đã và đang được tin tưởng, lựa chọn thi công thêm nhiều công trình hầm lớn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo ông Bùi Hồng Đăng, Giám đốc Ban chỉ huy hầm dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, trên thực tế, phương pháp đào hầm truyền thống chỉ có duy nhất một không gian cho một mũi thi công.
Đối với phương pháp do Đèo Cả nghiên cứu sẽ có tối thiểu 2 không gian cho mỗi mũi, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm chi phí máy móc, nhân sự.
"Giải pháp này đang tiếp tục được Tập đoàn đề xuất áp dụng tại hầm số 3 - Gói thầu XL3 của dự án, phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2025, góp phần vào mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025", ông Đăng nói.
Theo Báo Giao thông