Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nỗ lực đưa thành tựu nghiên cứu vào ứng dụng công trình giao thông(Thứ tư, 09/10/2024 08:30 GMT+7)

Vừa qua, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã tổ chức Hội nghị Khoa học công nghệ (KHCN) năm 2024, chào mừng 68 năm ngày thành lập Viện.


Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nỗ lực đưa thành tự nghiên cứu vào ứng dụng công trình giao thông - Ảnh 1.

Hội nghị KHCN năm 2024 đã thu hút đông đảo các nhà khoa học,

chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tham dự

Viện Thí nghiệm vật liệu, tiền thân của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập cách đây 68 năm nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác nghiên cứu, giải quyết được những khó khăn, thiếu thốn về vật tư, vật liệu, kỹ thuật xây dựng và bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng GTVT.

Suốt chặng đường 68 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, các thế hệ viên chức và người lao động của Viện đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng Viện trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới của ngành GTVT.

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nỗ lực đưa thành tự nghiên cứu vào ứng dụng công trình giao thông - Ảnh 2.

TS. Trần Bảo Ngọc, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT

phát biểu khai mạc Hội nghị KHCN năm 2024

Phát biểu khai mạc Hội nghị KHCN, TS. Trần Bảo Ngọc, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nhấn mạnh, những năm qua, Viện luôn thực hiện tốt vai trò tiên phong với phương châm "KHCN luôn đi trước một bước", hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Đến nay, Viện đã nghiên cứu hàng trăm đề tài các cấp, chủ trì biên soạn và được Nhà nước ban hành hàng trăm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đề xuất áp dụng nhiều vật liệu mới. Các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của ngành, góp phần nâng cao chất lượng công trình, mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội.

Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, Viện đã rất tích cực triển khai các hoạt động KHCN, qua đó, Viện đã thực hiện 3 đề tài cấp quốc gia, 111 đề tài cấp bộ, 3 nhiệm vụ môi trường, 182 TCVN, 10 TCCS, 14 quy định kỹ thuật và qui định tạm thời về công nghệ mới, vật liệu mới trong quản lý, xây dựng, bảo trì cơ sở hạ tầng GTVT trong các lĩnh vực của ngành GTVT, TS. Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh.

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nỗ lực đưa thành tự nghiên cứu vào ứng dụng công trình giao thông - Ảnh 3.

Các nhà khoa học cùng nhau thảo luận làm sáng tỏ nhiều vẫn đề nghiên cứu mới

Ngày nay, ngành GTVT đang đứng trước những vận hội và thời cơ phát triển mới. Để góp phần biến các cơ hội thành hiện thực là nhanh chóng xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, đồng bộ và hiện đại ở tất cả các lĩnh vực đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa. Từ đó đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, với vai trò là cơ quan nghiên cứu KHCN của ngành GTVT cần tiếp tục, tập trung vào các lĩnh vực ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển, quản lý khai thác, bảo trì hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bền vững, thân thiện với môi trường.

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nỗ lực đưa thành tự nghiên cứu vào ứng dụng công trình giao thông - Ảnh 4.

Thời gian qua, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã không ngừng nỗ lực triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất của ngành GTVT và đạt được kết quả nghiên cứu như: Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật; các dịch vụ tư vấn KHCN theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu trong và ngoài nước. Nhiều nghiên cứu KHCN của Viện đã đáp ứng được yêu cầu của thực tế trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của cả nước, góp phần thúc đẩy ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất, tăng năng suất lao động. Viện đã đề xuất được nhiều giải pháp công nghệ mới, vật liệu mới trong quản lý, xây dựng, khai thác, bảo trì hạ tầng giao thông.

Trên cơ sở nhu cầu sản xuất và đề xuất của các đối tác, Viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu như: Nghiên cứu xây dựng Quy trình bảo trì và đánh giá các cầu có kết cấu đặc biệt (như cầu dây văng, cầu vòm,...); nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế mặt đường trong xây dựng và bảo trì đường bộ nhằm bảo vệ môi trường…

Cùng với công tác nghiên cứu KHCN, thử nghiệm thành công để ứng dụng các loại vật liệu mới, công nghệ mới phục vụ xây dựng, quản lý bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, Viện đã chủ động và tích cực tham gia và thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất của ngành nhằm góp phần giải quyết những vấn đề kỹ thuật phức tạp do thực tế sản xuất đặt ra trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay.

Tại Hội nghị KHCN, nhiều kết quả nghiên cứu KHCN được công bố, với 29 báo cáo khoa học thuộc các lĩnh vực đường bộ, sân bay, cầu, hầm, cảng đường thủy, cơ khí, tự động hóa, vật liệu xây dựng, bảo vệ công trình và môi trường… Các kết quả nghiên cứu này gắn liền với các nhiệm vụ được Bộ GTVT giao, các đề tài nghiên cứu, biên soạn các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật; thực hiện các dịch vụ tư vấn thiết kế, thẩm tra, tư vấn giám sát, thí nghiệm, kiểm định chất lượng nhiều dự án xây dựng công trình giao thông...

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT nỗ lực đưa thành tự nghiên cứu vào ứng dụng công trình giao thông - Ảnh 5.

Tại Hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng nhau thảo luận làm sáng tỏ nhiều vẫn đề như: Một số kết quả nghiên cứu, thử nghiệm trong phòng các chỉ tiêu kỹ thuật của cát biển tại một số khu vực; Nghiên cứu công nghệ rửa cát biển và đề xuất dây chuyền thiết bị rửa cát biển theo công nghệ được chọn để sản xuất cát làm vật liệu thi công nền đường ô tô Việt Nam; Nghiên cứu thực trạng mức tiêu thụ nhiên liệu cho ô tô đến 9 chỗ, xe mô tô, gắn máy và đề xuất giải pháp giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu nhằm thực hiện cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam…

Qua những hoạt động này, Viện tiếp tục khẳng định vị thế là cơ quan tham mưu đắc lực cho Bộ GTVT về KHCN, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động của ngành GTVT.

P.V