5 năm hoạt động KHCN Ngành GTVT - Bước tiến bộ mang tính đột phá(Thứ hai, 25/04/2011 00:00 GMT+7)
Nhân Hội nghị Tổng kết công tác KHCN ngành GTVT giai đoạn 2005-2010, Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã trả lời phỏng vấn của Báo GTVT về những thành tựu cũng như định hướng để phát triển mạnh mẽ, hiệu quả công tác KHCN trong ngành GTVT.
Nhân Hội nghị Tổng kết công tác KHCN ngành GTVT giai đoạn 2005-2010, Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã trả lời phỏng vấn của Báo GTVT về những thành tựu cũng như định hướng để phát triển mạnh mẽ, hiệu quả công tác KHCN trong ngành GTVT.
PV: Thưa Thứ trưởng, giai đoạn 2005-2010, được coi là có nhiều thành tựu đột phá trong hoạt động KHCN ngành GTVT, Thứ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức: Trong giai đoạn 2005-2010, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách hết sức cam go nhưng ngành GTVT cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình... cụ thể để phát triển mạnh mẽ, có hiệu quả công tác KHCN vào thực tế sản xuất trong tất cả các lĩnh vực của Ngành. Kết quả đã tạo ra những đột phá mạnh mẽ trong các lĩnh vực quy hoạch chiến lược phát triển GTVT, xây dựng công trình giao thông, công nghiệp, dịch vụ vận tải...
Việc xây dựng hoàn thành nhiều công trình xây dựng giao thông có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao như cầu treo, cầu dây văng nhịp lớn, cầu bê tông cốt thép dự ứng lực nhịp lớn, đường ôtô cao tốc, cảng biển, sân bay, luồng vận tải thủy, nâng cấp hệ thống đường sắt... nhiều sản phẩm công nghiệp GTVT chất lượng cao như tàu biển, kho chứa xuất dầu nổi, ôtô sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, cơ khí đường sắt, tăng cường chất lượng và an toàn trong các dịch vụ vận tải... trong thời gian gần đây đã thể hiện tâm huyết, tài năng, trí tuệ, khát vọng vươn lên làm chủ KHCN hiện đại của đội ngũ những nhà khoa học, cán bộ quản lý, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân ngành GTVT. Đó là bước tiến bộ mang tính đột phá, những thành tựu rất đáng tự hào, khẳng định trình độ KHCN hiện nay của ngành GTVT ngang tầm khu vực và có những lĩnh vực bắt kịp công nghệ tiên tiến của thế giới.
Những nỗ lực và cống hiến to lớn của ngành GTVT trong những năm trước đây cũng như trong 5 năm vừa qua, trong đó có đóng góp của hoạt động KHCN đã làm thay đổi cơ bản chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT trong cả nước, phục vụ đắc lực cho sự phát triển KT-XH.
PV: Thưa Thứ trưởng, để có được những thành tựu đó, ngành GTVT đã có những định hướng và chiến lược như thế nào?
Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức: Trong chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quan điểm phát triển được lãnh đạo Bộ GTVT xác định rõ: Giao thông vận tải là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT-XH, cần được ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Nhận thức rõ tiềm năng và vai trò của hoạt động KHCN trong thực hiện chiến lược trên đây, Bộ GTVT đã chỉ đạo phương châm, mục tiêu của công tác KHCN giai đoạn 2005-2010 của Ngành là: “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN; lựa chọn nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến phù hợp áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo được sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng bền vững của Ngành. Tập trung nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định cơ chế, chính sách, hệ thống quy phạm, pháp luật quản lý chuyên ngành phù hợp với sự phát triển của cơ chế thị trường có định hướng XHCN”.
PV: Thưa Thứ trưởng, để phát huy hơn nữa vai trò của hoạt động KHCN, trong thời gian tới, ngành GTVT cần phải làm gì?
Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức: Bên cạnh những thành tựu, đóng góp hiệu quả của hoạt động KHCN ngành GTVT trong giai đoạn 2005-2010 vừa qua, chúng ta cũng cần mạnh dạn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo hoạt động KHCN cho giai đoạn sắp tới. Cần nỗ lực phát huy hơn nữa vai trò của hoạt động KHCN trong ngành GTVT trên mọi phương diện. Trước hết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về tổ chức, quản lý và cơ chế hoạt động KHCN.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII và Chương trình hành động thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khóa IX của Chính phủ về phát triển nhanh doanh nghiệp khoa học - công nghệ (DNKHCN) và thị trường công nghệ (TTCN), theo định hướng gắn kết chặt chẽ nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và chuyển đổi hoạt động của tổ chức nghiên cứu khoa học công lập theo cơ chế doanh nghiệp.
Thực hiện đổi mới hoạt động KHCN theo tinh thần các Nghị định của Chính phủ. Đây là vấn đề rất quan trọng, đã thực hiện tốt ở một số lĩnh vực chuyên ngành GTVT trong thời gian vừa qua. Trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện, tạo động lực, phát huy hết mọi tiềm năng, đa dạng hóa hình thức hoạt động thúc đẩy KHCN GTVT phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao ứng dụng công nghệ hiện đại, có hiệu quả trong tất cả lĩnh vực của ngành GTVT như: xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng, công nghiệp giao thông, dịch vụ vận tải. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý; kết hợp phát triển từng bước vững chắc với những bước đột phá đi thẳng vào hiện đại tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc, đồng thời coi trọng công tác bảo trì, đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững, an toàn kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.
Kết hợp đầu tư mới với cải tạo, nâng cấp, đầu tư theo chiều sâu phát huy hiệu quả của các cơ sở công nghiệp giao thông vận tải hiện có, nhanh chóng đổi mới và tiếp cận công nghệ hiện đại có tỷ lệ nội địa hóa cao, tăng thị phần đặc biệt là trong lĩnh vực đóng tàu, chế tạo ô tô và đầu máy toa xe, công nghiệp phụ trợ để sử dụng trong nước và xuất khẩu. Không ngừng đổi mới phương thức, chất lượng và an toàn trong tất cả các dịch vụ vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa. Nghiên cứu các loại hình vận tải hiện đại (đa phương thức, logicstis phấn đấu tăng thị phần, tăng tốc độ, giảm giá thành vận tải.
Bên cạnh đó cũng phải cập nhật ứng dụng KHCN hiện đại trong giải quyết ùn tắc, đảm bảo an toàn, giảm thiểu TNGT. Chú trọng triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường vào các sản phẩm công nghiệp, công trình giao thông vận tải. Ngoài ra cũng cần chủ động nghiên cứu các giải pháp công trình, phương tiện giao thông thích hợp để đối phó với các kịch bản biến đổi khí hậu, nguy cơ động đất, sóng thần, nước biển dâng...
Không chỉ có vậy, việc phát triển nguồn nhân lực và năng lực hoạt động khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành mặc dù đã được lãnh đạo các cấp hết sức quan tâm, nhiều chương trình, dự án tăng cường đào tạo nguồn nhân lực KHCN đã được triển khai thực hiện ở cả trong và ngoài nước nhưng thực trạng ở nhiều ngành, địa phương đội ngũ làm công tác KHCN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngành GTVT cần chủ động nghiên cứu các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút các chuyên gia, lực lượng cán bộ KHCN, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành trong việc biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, tài liệu kỹ thuật cũng như triển khai các đề tài nghiên cứu giải quyết các vấn đề kỹ thuật cấp thiết của Ngành.
Bên cạnh việc tăng cường nguồn nhân lực, cần từng bước tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong Ngành theo hướng xã hội hóa đầu tư cho các hoạt động KHCN.
Thực hiện tốt các giải pháp trên, hoạt động KHCN của ngành GTVT giai đoạn sắp tới sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, tiếp tục cống hiến, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển nhanh chóng và bền vững của ngành GTVT.
PV: Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng!
VTTH -Theo Báo giao thông vận tải