Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam (Thứ ba, 07/11/2023 09:55 GMT+7)
Hệ thống cảng biển Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để trở thành một trung tâm logistic của khu vực.
Nhất là sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.
3,5km trong 20km quy hoạch cảng Cái Mép Hạ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được đưa vào khai thác. Khoảng cách từ Cái Mép Hạ đến cảng Singapore lớn nhất châu Á cũng gần hơn so với các cảng như Manila của Philippines, Sihanoukville của Campuchia… Trong khi đó, giá dịch vụ bốc xếp của Việt Nam hiện chỉ bằng 60% với hàng cont thường và 50% đối với hàng cont trung chuyển so với các nước khác.
Vị trí để xây dựng Cảng Cái Mép có diện tích gần 600 ha, công suất thiết kế đón các tàu trọng tải lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại lên đến 24.000 Teu. Khi cảng được xây dựng và đi vào khai thác sẽ khẳng định được vị thế của cảng biển Việt Nam trên bàn đồ hàng hải quốc tế.
Ảnh minh họa
Cách cảng nước sâu Cái Mép Hạ chỉ khoảng 1 km, cảng Cần Giờ của TP Hồ Chí Minh cũng đã được Quốc hội thông qua quy hoạch bổ sung thành cảng trung chuyển quốc tế.
Theo đề án được UBND TP Hồ Chí Minh trình Chính phủ, Cần Giờ khi được xây dựng sẽ là cảng xanh đầu tiên cả nước với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Dự kiến có thể đóng góp cho ngân sách từ 34.000 – 40.000 tỷ đồng/năm và tạo ra hàng chục nghìn việc làm.
3.200 km bờ biển là lợi thế lớn nhất của Việt Nam so các nước trong khu vực. Hiện có tới 90% số lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam đi qua cảng biển và đã có 3 khu vực cảng biển được xác định là trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo.
Dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 100 triệu TEU trung chuyển qua các Cảng khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là cơ hội cho các cảng biển trung tâm logistic của Việt Nam và các cảng biển mới của các nước trong khu vực.