Nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đường thủy(Thứ hai, 27/11/2023 14:07 GMT+7)
Cục Đường thủy nội địa VN tăng cường tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Công ước SAR79.
Nhiều vụ tai nạn tàu VR-SB do thuyền viên thiếu kiến thức sử dụng thiết bị an toàn
Những ngày cuối tháng 11, tại các cảng, bến thủy nội địa tuyến sông Mạo Khê thuộc địa giới hành chính hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, các phương tiện thủy vào ra tấp nập. Công tác kiểm tra, cấp phép cho phương tiện vào, rời cảng, bến của các nhân viên cảng vụ cũng được quản chặt.
Ông Phạm Hồng Quân, Phó trưởng đại điện Cảng vụ Đường thủy nội địa Hoàng Thạch (thuộc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực I) cho biết, đơn vị không chỉ siết chặt kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục pháp lý, mà còn cả điều kiện, thiết bị an toàn hoạt động của phương tiện thủy, nhất là phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB (tàu sông pha biển).
"Công tác kiểm tra điều kiện, thiết bị an toàn theo quy định đối với tàu VR-SB của chúng tôi được thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn do kiến thức về các thiết bị này chủ yếu qua tài liệu, không sử dụng trong thực tế. Trong khi cần phải hiểu sâu, nắm rõ để tuyên truyền chủ phương tiện, thuyền trưởng thực hiện tốt, giảm thiểu các nguy cơ rủi ro, thiệt hại cả về người và phương tiện, đảm bảo an toàn", ông Quân cho biết.
Ảnh: minh họa
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, trong hai năm 2021, 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đâm va liên quan đến phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB. Điển hình là tại Quảng Nam, tàu Phương Đông 05 tự gây tai nạn làm chết 17 người, phương tiện hỏng nặng; tàu Thịnh Long 68 va chạm và làm chìm tàu cá QNg-91426TS, làm chết 3 người. Tại Hải Phòng, tàu Hồng Vân 89 va chạm và làm chìm tàu Mạnh Đạt 01 biển Cửa Cái, làm một người chết; tại Ninh Thuận, tàu Hải Đạt 36 va chạm và làm chìm tàu Phúc Tình 26, thiệt hại 3.260 tấn tôn cuộn cán thép…
Từ thực trạng này và trong quá trình phối hợp kiểm tra, khảo sát của các lực lượng liên ngành trong năm 2022 đối với hoạt động của phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB đã nổi lên các bất cập cần được khắc phục. Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cảng, bến thủy nội địa còn hạn chế, từ phương tiện công vụ, trang thiết bị liên lạc, công cụ, thiết bị quản lý như VHF, AIS, thiết bị quan trắc khí tượng, thủy văn, phần mềm quản lý chuyên môn…
Đặc biệt, sự hiểu biết về sử dụng trang thiết bị vô tuyến điện trên tàu như AIS, Radar.. của người quản lý, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên còn rất hạn chế.
Nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại này, ngay từ năm 2022 Cục Đường thủy nội địa VN đã xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Công ước SAR79 (Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải năm 1979).
Tập huấn nâng cao kĩ năng cứu nạn
Theo ông Phạm Hồng Quân tháng 8/2023 vừa qua, ông được tham gia hội nghị tuyên truyền công các phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đường thủy nội địa tại Hải Phòng, đồng thời tìm hiểu thực tế, thực hành trên tàu VMU Việt Hàn về hệ thống các trang thiết bị hàng hải (vô tuyến điện trên tàu), thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng trên tàu...
"Những kiến thức, kĩ năng này rất hữu ích với công việc của tôi. Vì tôi không có kinh nghiệm thực tế đi biển nên dù đã nghiên cứu, tìm hiểu qua tài liệu cũng không thể hiểu rõ được. Nay tại hội nghị, tôi và các học viên không chỉ được cung cấp các kiến thức cụ thể, thiết thực thông qua các bài, clip hướng dẫn của giảng viên mà còn được thực hành ngay trên tàu như sử dụng bộ quần áo chống mất nhiệt, trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm...
Từ các kiến thức này, tôi có thể tiếp tục truyền đạt lại cho CBNV đơn vị để áp dụng vào công tác kiểm tra phương tiện cũng như có kĩ năng cứu nạn nếu không may xảy ra tai nạn, sự cố...", ông Quân chia sẻ.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hội nghị này đã tập huấn cho 250 học viên đến từ các Sở GTVT các tỉnh ven biển, ban, ngành, doanh nghiệp; các chi cục đường thủy nội địa khu vực I, III; các cảng vụ đường thủy nội địa khu vực I, I, III, IV và các thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên... Qua đó, trang bị những nội dung, kỹ năng, thực hành các tình huống khẩn cấp; cách thức sử dụng, khai thác các loại trang, thiết bị trên phương tiện thủy nội địa và chuẩn bị lực lượng "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra, nhằm góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại.
Cụ thể, các cán bộ quản lý, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên được trang bị các kiến thức, kĩ năng về các nội dung chính như: Quản lý rủi ro VR-SB hoạt động trên biển - vùng nội thủy; Tránh va cho tàu mang cấp VR-SB trên biển - vùng nội thủy; công tác điều khiển để thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nguy hiểm trên biển - vùng nội thủy; duy trì sự sống trên biển - vùng nội thủy khi xảy ra tại nạn.
Cùng đó hướng dẫn xây dựng các phương án: nhiệm vụ cứu sinh, cứu hỏa; xây dựng phương pháp cứu thủng vùng thủy nội địa, phương pháp cứu người rơi xuống nước. Hướng dẫn sử dụng, khai thác hiệu quả các thiết bị vô tuyến điện thông thường và sử dụng hiệu quả các thiết bị vô tuyến điện trong trường hợp khẩn cấp trên phương tiện thủy.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cũng cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay, Cục đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực đường thủy nội địa, được các địa phương đánh giá cao. Theo đó, đã thực hiện kiểm tra và tập huấn, huấn luyện cho 28 tỉnh trọng điểm ven biển; bổ sung kiến thức cho trên 800 người là đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các địa phương; bồi dưỡng kiến thức cho các doanh nghiệp vận tải, các chủ tàu và thuyền trưởng.
Sau các hội nghị tập huấn, Cục Đường thủy nội địa VN đều đề nghị các cơ quan quản lý phải thực hiện tuyên truyền, đồng thời thực hiện kiểm tra, rà soát, đảm bảo các phương tiện tàu khách, phương tiện thủy vận tải thủy, đặc biệt là phương tiện VR-SB đầy đủ trang thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu nạn theo quy định. Thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên buộc phải nắm được các nội dung phương án tập luyện và phải sử dụng thành thạo trang thiết bị vô tuyến điện được trang bị trên tàu…
"Trường hợp có trang bị đầy đủ theo quy định nhưng không biết hoặc không nắm được việc sử dụng trang thiết bị được trang bị trên tàu thì cơ quan chức năng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tước giấy phép hoặc cấm các phương tiện này tham gia giao thông thủy khi không đảm bảo an toàn", vị đại diện cho hay.