Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức khóa tập huấn “Thực hành đo lường mức độ đạt được chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của người học”(Thứ ba, 05/12/2023 08:52 GMT+7)

Với mục tiêu bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trong công tác cải tiến nâng cao chất lượng về hoạt động giảng dạy, kiểm tra đánh giá để sinh viên đạt được chuẩn đầu ra mong đợi của chương trình đào tạo (CTĐT), Nhà trường đã phối hợp với Viện Giáo dục và Công nghệ - Kỹ thuật LYDINC thuộc Công ty TNHH MTV LYDINC tổ chức khóa tập huấn này.


Khóa tập huấn được thực hiện bởi PGS.TS Phạm Văn Tuấn, người trực tiếp quản lý điều hành và dẫn dắt mảng đào tạo, tư vấn Bảo đảm chất lượng giáo dục cho các đối tác của Viện LYDINC và cũng là đánh giá viên chính của các tổ chức kiểm định chất lượng khu vực và quốc tế như: AUN-QA ASEAN, QAA UK, ASIIN Germany, kiểm định viên Việt Nam.

PGS.TS Phạm Văn Tuấn tại buổi tập huấn

Khóa tập huấn do TS. Lê Văn Vang, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo chủ trì, cùng với sự tham gia của 100 nhân sự gồm trưởng/phó khoa, trưởng/phó bộ môn, giảng viên tham gia xây dựng CTĐT, viên chức/người lao động từ đơn vị hỗ trợ đào tạo, bảo đảm chất lượng trong toàn trường.

Phát biểu chỉ đạo tại khóa tập huấn, TS. Lê Văn Vang nhấn mạnh, việc kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm công bằng, nghiêm túc, khách quan, tin cậy, cần đa dạng các phương pháp đánh giá; đặc biệt là việc đánh giá để sinh viên đạt được chuẩn đầu ra mong đợi của CTĐT.

TS. Lê Văn Vang, phát biểu khai mạc khóa tập huấn

Khóa tập huấn diễn ra trong 2 ngày 13/11/2023 và 28/11/2023 theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với các nội dung chính: (1) Nguyên tắc đo lường, đánh giá chuẩn đầu ra, (2) Rà soát các vấn đề thường gặp khi triển khai đo lường đánh giá theo chuẩn đầu ra, (3) Chia sẻ thêm một số kinh nghiệp trong nước và ASEAN về đo lường đánh giá theo chuẩn đầu ra và phần Thực hành phân tích tình huống đo lường đánh giá theo chuẩn đầu ra. Ngoài ra, PGS. TS. Phạm Văn Tuấn còn chia sẻ, hướng dẫn về cách xây dựng CTĐT theo chuẩn đầu ra (Outcome Base Education - OBE).

­Hình ảnh buổi tập huấn, thảo luận theo nhóm

Chuyên gia đã chia sẻ cho cán bộ, giảng viên Nhà trường về nguyên tắc tương thích có định hướng (Constructive Alignment). Nguyên tắc này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và thiết kết CTĐT. Bởi vì, sự liên kết tương thích giữa 03 thành tố chính của quá trình dạy học gồm có: (1) Chuẩn đầu ra mong đợi (expected learning outcome); (2) Phương pháp dạy và học (teaching and learning) và (3) Phương pháp kiểm tra, đánh giá (student assessment). Chính vì vậy, nội dung của Khóa tập huấn thực hành về đo lường mức độ đạt được chuẩn đầu ra CTĐT của người học là rất cần thiết cho cán bộ, giảng viên của Nhà trường trong bối cảnh tất cả các CTĐT phải cải tiến để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, sự phát triển của khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội.

Hình ảnh về nội dung Khung nguyên lý đào tạo theo chuẩn đầu ra (OEB)

Hình ảnh về nội dung Constructive Alignment (nguyên tắc tương thích có định hướng)

Nội dung tập huấn thiết thực, hữu ích giúp nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của nhiều cán bộ, giảng viên. Chuyên gia giúp chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trên chính các CTĐT hiện tại để các Khoa/Viện cải tiến chất lượng hiệu quả, bảo đảm các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Cán bộ, giảng viên thảo luận sôi nổi tại khóa tập huấn

PGS.TS Phạm Văn Tuấn chụp hình lưu niệm cùng đại diện các cán bộ, giảng viên tham gia khóa tập huấn

Khoá tập huấn đã diễn ra thành công, đạt được các mục tiêu và yêu cầu đề ra. Khoa, Viện và Phòng, Ban được cập nhật nhiều kiến thức hữu ích từ chuyên gia và được chỉ rõ những vấn đề đang tồn tại, hạn chế trong các CTĐT của mình; để từ đó tiếp thu, vận dụng những nội dung tập huấn vào quá trình hoàn thiện các CTĐT một cách hiệu quả nhằm bảo đảm người học có thể đạt được chuẩn đầu ra mong đợi.

Nguồn: Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM